Ngày 15-12 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội thảo khoa học “20 năm giáo dục học sinh khuyết tật Việt Nam”. Hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện giáo dục học sinh khuyết tật trong 20 năm qua, đồng thời kêu gọi sự nỗ lực lớn hơn nữa trong công cuộc thúc đẩy quyền và phẩm giá của mỗi một người khuyết tật.
Trẻ khuyết tật là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc.
Hơn 500.000 trẻ khuyết tật được đến trường
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Tỷ lệ huy động học sinh khuyết tật đi học ngày càng cao không chỉ ở mầm non, tiểu học, mà còn ở THCS, THPT, CĐ, ĐH. Nhiều hình thức tổ chức lớp học linh hoạt với các đối tượng trẻ khuyết tật khác nhau. Việc cung cấp thiết bị, đồ dùng, phương tiện đảm bảo cho việc thực hiện giáo dục khuyết tật trong các cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm và đầu tư một cách hợp lí, thiết thực.
PGS.TS Phạm Minh Mục - Viện Khoa học giáo dục VN cũng khẳng định: Trong 20 năm qua, số lượng trẻ khuyết tật được đi học đã tăng lên 10 lần. Đặc biệt, quy mô giáo dục trẻ khuyết tật đã tăng hơn hẳn so với những năm trước. Theo số liệu của Viện Khoa học giáo dục VN: Năm 1996, cả nước chỉ có 42.000 trẻ khuyết tật được đi học, đến năm 2015 đã có hơn tới 500.000 trẻ khuyết tật được đến trường.
Báo cáo tổng quan sơ bộ của Viện Khoa học giáo dục VN cũng cho biết: Hiện đã có hơn 100 cơ sở giáo dục khuyết tật chuyên biệt, nơi nghiên cứu rèn luyện những đối tượng khuyết tật khác nhau và dạy trẻ khuyết tật. Hàng nghìn học sinh khuyết tật được học tập, lĩnh hội kiến thức để học cao hơn, tiếp thu kiến thức, hòa nhập cộng đồng. Một loạt các Khoa giáo dục đặc biệt đã được thành lập ở các trường ĐHSP và CĐSP… Đội ngũ cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo trên cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau đã phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu và triển khai các mô hình, phương thức giáo dục, phương thức và kĩ năng đặc thù dạy học sinh khuyết tật. Đã có hàng trăm đầu sách, công trình nghiên cứu, đề tài nghiên cứu khoa học được công bố về tất cả các lĩnh vực như: Xây dựng kí hiệu chữ nổi cho người mù, ngôn ngữ kí hiệu cho người điếc, xây dựng chương trình sách giáo khoa…
Còn đó những thiệt thòi
Mặc dù số lượng trẻ khuyết tật được đi học đã tăng lên trong những năm qua, tuy nhiên giáo dục trẻ khuyết tật nhìn chung vẫn còn hạn chế. Theo PGS Phạm Minh Mục: Nhiều chính quyền địa phương, nhà trường, cán bộ, giáo viên chưa thấy trách nhiệm cao mà còn coi việc chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật chỉ như việc làm thêm, từ thiện và các em chỉ có thể học tập tại các cơ sở giáo dục trẻ chuyên biệt. Nhiều phụ huynh học sinh trẻ khuyết tật chưa nhận thức đầy đủ về khả năng của con em mình nên cam chịu, không tạo điều kiện cho trẻ phát triển, học tập.
Ông cũng cho rằng: Các sơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt còn hạn chế về số lượng và chất lượng hỗ trợ. Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai giáo dục trẻ khuyết tật trên toàn quốc, song chỉ những trường ở vùng thuận lợi, được sự hỗ trợ của các tổ chức khác nhau triển khai thực hiện và chủ yếu tiếp nhận trẻ khuyết tật nhẹ và trung bình, trẻ khuyết tật nặng và ở trẻ khuyết tật ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa chưa có nhiều cơ hội đến trường. Các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ khuyết tật mới được thành lập chưa đủ về số lượng và chỉ tập trung ở một số tỉnh nên chưa hình thành mạng lưới hỗ trợ trẻ khuyết tật. Đội ngũ giáo viên chưa đủ về số lượng và hạn chế về chất lượng…
Bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO, trong thông điệp gửi tới những người khuyết tật cũng nhận định chung: Chúng tôi đã nhìn thấy những sự tiến bộ của toàn thế giới, nhưng ngày nay người khuyết tật vẫn còn là một trong những nhóm người chịu thiệt thòi.
Bà đưa ra ví dụ, 1/3 số trẻ em không được đi học là trẻ khuyết tật, trong khi ít hơn 2% số trẻ khuyết tật ở các nước đang được phát triển được đi học. Trong những tình huống xung đột, người khuyết tật thường chịu ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất. Tiếng nói của họ không được lắng nghe trong xã hội rên toàn thế giới. Chỉ có khoảng 5-15% số người có yêu cầu được tiếp cận về thiết bị và công nghệ hỗ trợ.
Cần nỗ lực nhiều hơn
Trước những mong mỏi lớn hơn dành cho trẻ khuyết tật, ông Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN đặt câu hỏi: Làm thế nào tất cả trẻ khuyết tật được giáo dục và giáo dục có hiệu quả? Giáo dục thể nào để trẻ khuyết tật phát triển hết khả năng, tiềm năng của mình để trở thành những người tự lập và có những đóng góp cho cộng đồng xã hội?
Về vấn đề này, ông Phạm Minh Mục cho rằng cần có quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản và toàn diện trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật. Định hướng giáo dục trẻ khuyết tật là thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo ở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện công bằng về cơ hội học tập và phát triển cho trẻ khuyết tật nói riêng và tất cả trẻ em VN nói chung, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2012-2020 và những năm tiếp theo. Giáo dục trẻ khuyết tật chỉ có thể thành công trên cơ sở tăng cường sự kết hợp liên ngành trong việc hỗ trợ cho trẻ khuyết tật học tập và phát triển…
Đồng tình với quan điểm trên, ThS Nguyễn Trung Thành- Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) góp ý: Việc phối hợp và can thiệp sớm trẻ khuyết tật, cũng như lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp cho trẻ khuyết tật sẽ thúc đẩy hoạt động giáo dục. Có trường hợp phát hiện sớm thì việc can thiệp sẽ thuận lợi và có hiệu quả, còn can thiệp sau sẽ khó khăn. Như vậy việc phối hợp quản lý giữa trạm y tế cấp xã cũng như trường mầm non, cũng cần thiết và có ý nghĩa đối với trẻ khuyết tật.