Chiều ngày 15/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn của các ĐBQH, khép lại phiên chất vấn kéo dài 3 ngày. Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu trước Quốc hội, chiều 15/6.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây lãng phí tại 12 dự án
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề: từ 5 dự án kém hiệu quả chậm tiến độ đến nay đã xác định có 12 dự án lãng phí. Vậy đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc các Bộ ngành rơi vào tình trạng trên?
Lãng phí và trách nhiệm thuộc về ai? Cùng chung quan điểm, ĐB Đinh Đăng Luận (Yên Bái) nói: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng hiện nay nhiều công trình xây dựng cơ bản dở dang chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành để đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây ra lãng phí thất thoát lớn đối với nền kinh tế. Vậy Chính phủ có giải pháp gì để giải quyết?
Đề cập đến việc còn bao nhiêu dự án tương tự và ai sẽ chịu trách nhiệm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: Chính phủ đã công khai, minh bạch rõ ràng các thông tin cơ bản về 12 dự án thua lỗ, thất thoát và Chính phủ đã báo cáo tại phiên khai mạc của kỳ họp.
Những dự án này sẽ cơ cấu sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần không thất thoát lãng phí, không dùng ngân sách để trả nợ, xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức cá nhân.
“Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục 12 dự án này. Tinh thần chung là phải rà soát tiếp”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thông tin, đồng thời nhấn mạnh hiện Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tự rà soát và báo cáo; Chính phủ sẽ có giải pháp khắc phục như đối với 12 dự án đang “đắp chiếu”.
Quan điểm của Chính phủ là sẽ xử lý theo cơ chế thị trường, không dùng vốn nhà nước để trả nợ, kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Làm sao để không còn các dự án tương tự thì Chính phủ đã yêu cầu, các tập đoàn, ngành lĩnh vực cơ cấu lại nghành nghề, rồi tăng cường thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí để phòng ngừa vi phạm.
Trong khi đó, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, “Chính phủ cần luật hóa thiết lập cơ chế liên ngành xác định rõ trách nhiệm của nhạc trưởng, cơ chế chịu trách nhiệm của Ban Chỉ đạo liên ngành trong từng cấp như việc cử thành viên tham gia Ban chỉ đạo nhưng không chịu trách nhiệm khi lúc cử thành viên này, mai cử thành viên khác”- bà Minh nêu.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, hiện nay sự phối hợp liên ngành đang còn yếu, có nhiều tồn tại, hạn chế. Thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành chức năng giải quyết vấn đề liên ngành, liên vùng, sử dụng pháp luật để làm rõ trách nhiệm. Hiện có nhiều Ban chỉ đạo liên ngành, có ban phát huy hiệu quả nhưng có ban mang tính hình thức.
Tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các vi phạm, nghiên cứu trình Trung ương việc sắp xếp bộ máy, trong đó có đánh giá các Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo nào không hiệu quả thì bỏ, các ban có nhiệm vụ tương đồng thì sáp nhập; đổi mới thành phần Ban chỉ đạo liên ngành. Nhân sự do bộ ngành đề xuất nên bộ ngành có trách nhiệm và chấp hành nghiêm chứ không thể để tình trạng nay cử người này mai cử người khác đi họp.
“Đây là do kỷ luật kỷ cương không nghiêm nên tới đây Chính phủ sẽ chấn chỉnh tình trạng này, tăng cường kỷ luật”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
ĐBQH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Quốc Anh).
Giải pháp nào xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ?
Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), tư duy nhiệm kỳ ở các cấp hiện rất rõ nên có sự cắt khúc giữa các nhiệm kỳ, làm phân tán nguồn lực dẫn tới đầu tư kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực. Vậy Chính phủ có giải pháp nào xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ?
Đề cập đến giải pháp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, phẩm chất của người cán bộ cách mạng là phải hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cán bộ nào có tư duy nhiệm kỳ là không xứng đáng. Chính phủ với phương châm là Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân nên đòi hỏi cán bộ các ngành các cấp phải dựa trên tinh thần đó.
Cho nên đòi hỏi khi người được bổ nhiệm vào vị trí công tác phải đáp ứng tiêu chuẩn đầy đủ, là cán bộ chuẩn mực, và khi thực thi công vụ phải đúng theo tinh thần trên.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, những trường hợp tư duy nhiệm kỳ mà đại biểu đề cập có thể đó là cán bộ không xứng đáng do quá trình bổ nhiệm, xuất phát từ việc quy hoạch, bồi dưỡng, rèn luyện rồi bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác.
Cho nên đòi hỏi việc bổ nhiệm cán bộ phải theo đúng quy định của Đảng, pháp luật, chọn người xứng đáng vào vị trí. Đồng thời qua đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện ra trong quá trình thực thi công vụ những trường hợp không thực hiện đúng nghị quyết, chương trình kế hoạch.
“Tư duy nhiệm kỳ cũng rất tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, có thể muốn có lợi cho phiếu bầu trong nhiệm kỳ tới nên ngại va chạm, hay sắp hết nhiệm kỳ rồi nên không muốn phấn đấu nữa. Cho nên trong xây dựng thể chế phải có các quy định, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện vi phạm”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), những công trình đắp chiếu nghìn tỷ đồng đang làm tăng nợ công. Việc bổ nhiệm cán bộ vẫn đúng quy trình nhưng lại đang gây bất an cho người dân.
“Bổ nhiệm cán bộ nhưng bổ nhiệm kiểu thần tốc, bổ nhiệm người nhà kiểu “giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nhưng với tinh thần của Chính phủ kiến tạo vậy trách nhiệm kiến tạo như thế nào để phục vụ người dân, đặt lợi ích vào dân hay ai mà những thực trạng này không giảm mà còn tăng cao. Nếu muốn niềm tin của dân thì phải có giải pháp căn cơ, để việc “bổ nhiệm đúng quy trình” gây bức xúc dư luận được khép lại”- ĐB đặt vấn đề.
Trả lời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng: Thời gian qua báo chí đã phản ánh việc lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào vị trí do mình phụ trách gây phản ứng trong dư luận.
Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành, địa phương làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao, và giao cho Bộ Nội vụ kiểm tra, thanh tra công vụ báo cáo lên Thủ tướng.
Bộ Nội vụ đã kiểm tra rà soát tại 11 địa phương qua đó đã phát hiện sai phạm trong bổ nhiệm công chức.
“Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi quyết định trái quy định hay chấm dứt hợp đồng khi qua kiểm tra thấy sai phạm, đồng thời kiểm điểm làm rõ tổ chức cá nhân vi phạm.
Tinh thần chung của Chính phủ là yêu cầu các cấp thanh tra công tác bổ nhiệm, tuyển dụng, nâng ngạch công chức, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý.
Trong năm 2017 Chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra tối thiểu tại 30% đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt cương quyết của Chính phủ”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay.
Chính quyền giải quyết công tâm thì sẽ ổn
Đề cập đến chất vấn về giải pháp để giảm khiếu kiện đông người mà ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đặt ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, tình hình khiếu kiện đông người năm 2016 có giảm nhưng đầu năm 2017 lại tăng, nguyên nhân chủ yếu là tập trung khiếu kiện về đất đai, quy hoạch treo.
Theo đó vấn đề khiếu kiện có thời gian rất lâu dài, có cái hai ba chục năm về trước. Chính quyền tập trung giải quyết, nhưng còn một số vụ việc cứ kéo dài, tuy không nhiều nhưng rất dai dẳng, không giải quyết dứt điểm được.
Về trách nhiệm, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, một phần là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Một phần liên quan đến giải phóng mặt bằng, xây dựng đô thị, quốc phòng an ninh, giá cả đền bù không phù hợp nên bà con khiếu kiện.
“Qua thanh tra giải quyết các vụ này thấy nổi lên một vấn đề là việc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân là chưa tốt. Những nhà đầu tư có lương tâm trách nhiệm đứng ra giải quyết với dân thì rất thuận lợi.
Nhưng khi có những việc chính quyền ưu ái nhà đầu tư thì sẽ xảy ra khiếu kiện. Có những vụ việc ban đầu đền bù cho người dân giá rẻ, nhưng rồi chuyển đổi mục đích sử dụng khác với ban đầu, giá tăng lên, người dân khiếu kiện”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu chính quyền giải quyết công tâm thì sẽ ổn. Có những giải tỏa nhưng đền bù, giải quyết không đúng luật, thay vì bồi thường chỉ hỗ trợ, không tính đầy đủ quyền lợi của người dân thì sẽ có khiếu kiện”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng cho rằng, trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Xử lý ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo và kích động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. Khẩn trương đưa hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào khai thác, sử dụng hiệu quả.
Tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các vi phạm, nghiên cứu trình Trung ương việc sắp xếp bộ máy, trong đó có đánh giá các ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo nào không hiệu quả thì bỏ, các ban có nhiệm vụ tương đồng thì sáp nhập; đổi mới thành phần ban chỉ đạo liên ngành. Nhân sự do bộ ngành đề xuất nên bộ ngành có trách nhiệm và chấp hành nghiêm chứ không thể để tình trạng nay cử người này mai cử người khác đi họp. “Đây là do kỷ luật kỷ cương không nghiêm nên tới đây Chính phủ sẽ chấn chỉnh tình trạng này, tăng cường kỷ luật”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói. ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé. Biến biên chế thành hợp đồng: Mới chỉ là đề xuất ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu câu hỏi: Cử tri băn khoăn về công tác cán bộ của ngành giáo dục dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời nhưng cử tri chưa yên tâm khi chuyển biến chế thành hợp đồng. “Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ và mới là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải quyết định của Chính phủ nên Chính phủ đang giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính xem xét xây dựng cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó có xây dựng lại bộ máy công chức, viên chức. Đề án sắp xếp lại bộ máy sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 6 nhằm xem xét, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho hay. |