Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện nhiều cơ sở, trang trại nuôi, nhốt các loài động vật hoang dã.
Đàn hươu được nuôi tại một gia đình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Phương Lan, ngụ thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức hiện nay đang nuôi, nhốt 30 con treo, 22 con chồn và 9 con hươu. Việc nuôi, nhốt các cá thể động vật hoang dã này chủ yếu là phục vụ cho gia đình và phát triển kinh tế.
Theo chị Lan, hươu gia đình chị nuôi lấy nhung, chồn nuôi để cho ăn cà phê, cho ra loại cà phê hương chồn, còn treo gia đình chị nuôi để bán thịt. Chị Lan chia sẻ, trước khi nuôi các loài động vật hoang dã, quý hiếm này gia đình chị phải làm hồ sơ xin phép các cơ quan chức năng, khi mua con giống cũng phải mua ở các cơ sở có giấy phép được xuất bán mới mua.
Ông Lâm Quang Long, chủ trại nuôi nai Ba Long, ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, từ năm 2013 ông bắt đầu nuôi đàn nai lấy nhung với mục đích phát triển kinh tế gia đình. Lúc đầu ông nuôi 5 con, đến nay sau 7 năm đàn nai của gia đình ông đã lên đến 16 con, với 9 con đực đang cho lấy nhung, 4 con cái sinh sản và 3 con con. Đàn nai của gia đình ông trung bình mỗi con cho khoảng 3kg nhung nai/năm, có con đạt 5kg nhung/con/năm. Tổng đàn nai của gia đình ông mỗi năm cho khoảng 30kg nhung, với giá bán trung bình khoảng 14 triệu đồng/kg nhung đã sơ chế sau khi trừ chi phí chăn nuôi, ông Long thu về 350 triệu đồng/năm.
Ông Long cũng cho biết, khi bắt đầu nuôi nai ông cũng phải làm hồ sơ xin phép nuôi, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, kiểm lâm ông mới gây dựng được cơ sở nuôi.
Có thể nói, các cơ sở nuôi, nhốt động vật hoang dã là một trong những biện pháp nhằm bảo tồn nguồn gen, giúp mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân nông thôn. Song hoạt động gây nuôi, nhốt động vật hoang dã còn tồn tại một số hạn chế như: Xuất hiện tình trạng nuôi, nhốt trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; một số cơ sở vẫn còn vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã… Đưa động vật hoang dã khai thác trái phép ngoài tự nhiên vào nhập chuồng để hợp thức hóa gây suy giảm nguồn lợi động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, môi trường, gây tác động tiêu cực đến quần thể các loài động vật.
Để hoạt động của các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đi vào nền nếp, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị, thành rà soát, cập nhập, theo dõi chặt chẽ tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn quản lý; thẩm định hồ sơ nguồn gốc, số lượng, chủng loại động vật hoang dã, tiêu chuẩn chuồng trại theo quy định để xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi cho các tổ chức, cá nhân. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Đào Văn Điền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Châu Đức - Bà Rịa cho biết, đối với các hộ nuôi động vật hoang dã trên địa bàn hạt phụ trách, đối với động vật thông thường thì người dân khi mua giống về phải có giấy xác nhận nguồn gốc động vật của Kiểm lâm nơi mua thông báo cho Hạt Kiểm lâm nơi đến để theo dõi quản lý.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 119 trang trại, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với khoảng 8.445 cá thể, trong đó 4 cơ sở gây nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ…
Ông Nguyễn Quốc Bảo -Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Mỗi loại vật nuôi sẽ có từng điều kiện cụ thể để được nuôi. Các trang trại muốn được cấp phép cần đảm bảo một số yếu tố như chứng minh được nguồn gốc của động vật hoang dã, chuồng trại đảm bảo an toàn theo quy định, việc chăn nuôi không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh...