Trong những năm gần đây hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Theo thống kê từ năm 2014-2017, Việt Nam luôn duy trì số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở con số trên 100.000 người/năm.
Riêng năm 2017, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 137.751 người (nữ chiếm 39,6%), vượt chỉ tiêu đề ra 28,3%. Ước tính, mỗi năm, người lao động thực tập và làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình trên 2 tỉ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn có nguy cơ rủi ro cao trong quá trình đi làm do thiếu thông tin khi tiếp cận dịch vụ đi LĐ ngoài nước.
Thực tế, NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài phải đối mặt với nhiều rủi ro vì phần lớn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là lao động nông thôn, có tay nghề thấp lại không được trang bị kiến thức pháp luật. Trong khi đó, lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, pháp luật về NLĐ di cư, có không ít doanh nghiệp không được cấp phép vẫn ngang nhiên tuyển và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó là nạn “cò mồi” khiến không ít NLĐ trở thành nạn nhân, kiệt quệ vì đi XKLĐ.
Đánh giá về hoạt động XKLĐ tại Việt Nam, ông Chang- Hee Lee, Giám đốc tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, NLĐ đi XKLĐ có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của quốc gia, tăng nguồn ngoại hối. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhóm lao động này vẫn đang gặp phải nhiều rủi ro về di cư lao động, chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về các thị trường được phái cử. Đặc biệt, người lao động phải chịu mức chi phí cao hơn so với các nước khác khi xuất khẩu lao động.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng trên do trong quá trình thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể liên quan. Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của NLĐ và đảm bảo tiếp cận của NLĐ tới hệ thống tư pháp chưa kịp thời, thiếu cơ chế.
Trước thực trạng trên, Bộ LĐTB&XH cho biết, theo kế hoạch, tháng 12/2018, sẽ trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, cũng từ tháng 6 đến tháng 12/2018, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ triển khai kế hoạch thanh tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ và xử lý các vi phạm (nếu có). Trong tháng 9/2018, xây dựng biện pháp tăng cường quản lý lao động tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ả rập Xê út.