Tăng cường thông tin kinh tế cho vùng khó

Lan Ngọc 25/07/2015 06:30

Ngày 24/7, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thông tin thị trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới trong hội nhập”, do Bộ Công thương, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Tăng cường đầu tư để tạo ra sức bật cho miền núi.

Theo thống kê, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa của nước ta có khoảng 48 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số cả nước. Mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nơi đây đã có nhiều thay đổi, thế nhưng đây vẫn là khu vực rất khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước. Quy mô và trình độ phát triển kinh tế, thương mại của vùng còn ở mức thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vừa thiếu, vừa kém. Nhất là thông tin thị trường còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3 lần bình quân cả nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương, phát triển nông- lâm nghiệp miền núi nước ta còn luôn gặp phải vấn đề “được mùa, mất giá”, “nay trồng, mai chặt”, tiền bán sản phẩm không đủ trả công thu hoạch… Việc thiếu thông tin định hướng thị trường cho sản xuất kinh doanh là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.

Do đó, kết quả sản xuất, canh tác nông, lâm, thủy sản của vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới luôn ở trong tình trạng bấp bênh. Khi được giá thì người dân đua nhau nuôi trồng, tăng diện tích ồ ạt. Khi đầu ra khó khăn, thừa ế, bị ép giá lại phá bỏ, chuyển sang đối tượng nuôi trồng khác.

Bên cạnh đó, những năm qua đã xảy ra tình trạng kẻ xấu lợi dụng bà con thiếu thông tin để lừa dối, phá hoại sản xuất, lũng đoạn bán - mua, gây ra những thiệt hại lớn.

Thực tế đó cho thấy cần thiết phải nâng cao hiệu quả thông tin dự báo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới góp phần tạo ra sự thay đổi căn bản tập quán sản xuất, canh tác; hạn chế tình trạng tự phát, phụ thuộc hoàn toàn vào biến động thị trường. Khi mà bà con không nắm rõ được thông tin rất dễ bị lợi dụng. Như khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, thương lái nước ngoài có thể gặp trực tiếp nông dân để đặt hàng các loại nông sản. Tuy nhiên, tình trạng khá phổ biến là khi người dân sản xuất đại trà thì chính những thương lái này sẽ ép giá sản phẩm, khiến bà con bị thua lỗ, thiệt hại.

Từ đó cho thấy thông tin thị trường cũng cần được xem như là một công cụ sản xuất của đồng bào dân tộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Công cụ này không chỉ tạo ra sản phẩm, giá trị gia tăng của hàng hóa mà còn đưa được chính sách quản lý nhà nước đi vào thực tế nhanh chóng và hiệu quả với nông nghiệp những vùng này.

Tuy nhiên, ý kiến tại hội thảo cho rằng cần tìm ra phương thức diễn đạt phù hợp với cách cảm, cách nghĩ đặc thù của bà con những vùng này về tuyên truyền thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế gắn liền với thị trường, giá cả, nội dung dự báo, định hướng sản xuất kinh doanh… Đặc biệt là các nội dung liên quan đến chất lượng hàng hóa, xuất - nhập khẩu, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Thông tin mang tính cảnh báo, chế độ kiểm dịch động vật, thực vật của những đối tác nhập khẩu của Việt Nam trên thế giới.

Đồng thời, để nâng cao giá trị sản vật ở mỗi địa bàn, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường thì vai trò của thông tin rất quan trọng. Tuy nhiên, bà con ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới rất ít có điều kiện để tham khảo, tiếp cận. Vai trò cầu nối của các cấp chính quyền cơ sở rất quan trọng. Do đó, cần làm tốt vai trò giám sát, cảnh báo những hiện tượng chạy theo phong trào, phá vỡ quy hoạch. Thay đổi thói quen sản xuất nhiều và rẻ, chạy theo những lợi ích trước mắt của bà con nông dân.

Theo Đại diện Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Bộ Công thương, để thông tin thị trường khu vực miền núi ngày càng đến gần với bà con cần lược bỏ những thông tin phản ánh chung chung. Cần tập trung vào các thông tin về thị trường, giá cả, nội dung dự báo, định hướng sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…Từ đó trở thành những công cụ giúp đồng bào từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường thông tin kinh tế cho vùng khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO