Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị, ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc tổ chức tuyên truyền quy hoạch, giám sát việc thực hiện trên địa bàn, tiếp nhận kiến nghị từ người dân và phản ánh về cơ quan cấp tỉnh. Đây là điểm mấu chốt tăng cường hiệu lực thực thi quy hoạch ngay từ cấp cơ sở, nhất là trong giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển sang chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó ông Hùng đề nghị, bổ sung về việc điều chỉnh quy hoạch nhằm xác định rõ trách nhiệm, rà soát kế thừa và cập nhật nội dung quy hoạch tại cấp xã sau khi có sáp nhập địa giới hành chính. UBND xã mới được thành lập cần có sơ sở pháp lý để tích hợp các nội dung quy hoạch cũ của đơn vị hành chính hợp nhất và đề xuất quy hoạch tỉnh tương ứng. Việc này nhằm bảo đảm tính liên tục, kế thừa và hiệu quả trong công tác quy hoạch.
Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hoà), nên bỏ quy hoạch vùng khỏi hệ thống quy hoạch độc lập, và nên gộp quy hoạch vùng vào nhiệm vụ điều phối quốc gia, tránh trung gian cồng kềnh, chuyển thành phần định hướng trong quy hoạch quốc gia hoặc tỉnh. Đồng thời kiến nghị bỏ quy định phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn nếu có mâu thuẫn.
Ông Thịnh cũng cho rằng, nên có quy định rõ hướng điều chỉnh không cần mọi mâu thuẫn đều phải sửa quy hoạch cấp dưới. Bởi nếu quy định như vậy sẽ tạo áp lực làm chậm tiến độ quy hoạch cấp dưới. Do đó cần có quy định cho phép linh hoạt điều chỉnh nội bộ hoặc cập nhật định kỳ. Theo đó, các mâu thuẫn được điều chỉnh theo hướng thống nhất, ưu tiên giải pháp khả thi trong bối cảnh của các địa phương.
ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) nhìn nhận, dự thảo luật lần này nhằm điều phối phân bổ nguồn lực và kiến tạo không gian phát triển, đáp ứng yêu cầu công cuộc sáp nhập tổ chức bộ máy, điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính, giải quyết những bất cập, điểm nghẽn trong thực tiễn.
Về trình tự thủ tục điều chỉnh cấp quốc gia quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, bà Nguyệt kiến nghị, các cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ gửi xin ý kiến. Nếu quá thời hạn trên, các cơ quan không trả lời thì xem như là đồng ý.
“Quy định như vậy sẽ như là lời cam kết các cơ quan có trách nhiệm khi nhận hồ sơ thì phải có trách nhiệm trả lời các văn bản cho các đơn vị địa phương, tránh tình trạng hiện nay xã chờ tỉnh, tỉnh chờ trung ương gây lãng phí thời gian và mất cơ hội tiếp nhận các dự án phát triển kinh tế xã hội”, bà Nguyệt nói.
Với kinh nghiệm trực tiếp làm tư vấn về quy hoạch, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, trình tự lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành phải lập đồng thời. Bởi lẽ, quy hoạch cấp trên phải có định hướng để quy hoạch cấp dưới bám theo, nếu quy hoạch cấp trên chưa có định hướng thì khi lập quy hoạch cấp dưới trước rất có thể những nội dung chi tiết cấp dưới không phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Thậm chí, theo ông Cường, những định hướng của cấp trên nếu không được cụ thể ở quy hoạch cấp dưới thì đôi khi cũng không phù hợp. Như vậy những định hướng của cấp trên cũng sẽ không có tính hệ thống, điều này đã từng gặp phải khi chúng ta phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia trước, sau đó đến khi các tỉnh làm quy hoạch thì chỉ tiêu phân bổ đất cho tỉnh không còn, và hiện nay các tỉnh đều yêu cầu phải điều chỉnh chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
“Cho nên nếu thực hiện đồng thời tất cả các quy hoạch đó thì quy hoạch cấp trên sẽ đưa định hướng, sau đó quy hoạch cấp dưới sẽ chi tiết cụ thể hoá, nếu chi tiết cụ thể hoá chỗ nào không phù hợp sẽ phản hồi lên cấp trên để điều chỉnh, khi cấp trên điều chỉnh xong sẽ ấn định để cấp dưới triển khai chi tiết và phê duyệt”, ông Cường nói.