Tăng đãi ngộ để giữ chân công chức, viên chức

Lê Anh 06/01/2023 07:15

Ngoài việc tiếp tục được hưởng tăng thêm thu nhập ở mức 1,8 lần kể từ 1/1/2023, cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM còn được xem xét có thêm đãi ngộ để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của từng khu vực.

Thu nhập tăng thêm giúp cán bộ, công chức viên chức TPHCM yên tâm công tác.

Thời gian qua, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM gặp nhiều khó khăn, nhất là áp lực từ khối lượng công việc tồn đọng lại qua 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tại TP Thủ Đức, lượng công việc lớn sau khi sáp nhập 3 quận (2,9,Thủ Đức) khiến nhiều cán bộ công chức, viên chức (CBCC, VC) xin nghỉ việc. Cụ thể, thời gian đầu thành phố mới duy trì 631 CNCC, VC, người lao động có mặt làm việc tại cơ quan chuyên môn. Nhưng sau đó con số này liên tục giảm do nghỉ việc và theo quy định, số lượng này sẽ tiếp tục sắp xếp theo thực tế có mặt là 132 người. Ông Nguyễn Văn Kiên - Chủ tịch UBND phường Thủ Thiêm cho biết, thời gian đầu sáp nhập phường thuộc cơ cấu phường loại 3 nên chưa có các tổ chức đoàn thể trong khu dân cư, khu phố, ban điều hành khu phố. UBND phường đã nhiều lần xin được thành phố xem xét, bố trí quỹ đất và kinh phí để xây trụ sở hành chính cho các đơn vị.

Phường An Khánh sau sáp nhập (từ 2 phường) cũng đã gặp áp lực rất lớn do khối lượng công việc, hồ sơ hành chính tăng lên. Tương tự, phường Hiệp Bình Chánh sau sáp nhập có diện tích gần 650ha, với quy mô dân số gần 110.000 dân, nhưng số lượng CBCC, VC mỏng, khối lượng công việc nhiều, khiến nhiều người xin nghỉ việc. Theo Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn, nếu giai đoạn trước cả phường có 62 cán bộ, công chức, viên chức thì đến nay theo quy định sắp xếp lại chỉ còn 34 người. Số lượng người giảm, trong khi công việc lại đổ dồn lên số CBCC, VC hiện hữu là thực tế rất khó khăn.

Không chỉ ở Thủ Đức, nhiều quận, huyện, cơ quan sở ngành cũng diễn ra tình trạng tương tự do khối lượng công việc đổ dồn lại từ 2 năm (2020,2021) ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Điển hình ở Sở Xây dựng có 23 người, kế đến là các Sở Kế hoạch và Đầu tư có 22 người, Sở Du lịch 21 CNCC, VC... xin nghỉ việc.

Theo đại diện Sở Nội vụ TPHCM, có 3 nguyên nhân chính tác động dẫn đến việc CBCC, VC thành phố nghỉ việc, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và do áp lực công việc. Những nguyên nhân này đã khiến gần 6.200 CBCC, VC xin nghỉ việc chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022.

Để giải quyết thực trạng này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình CBVC, VC nghỉ việc. Đồng thời, đề xuất Trung ương cho phép một số cơ chế đặc thù để kéo giảm tỷ lệ thôi việc, tạo động lực làm việc, khuyến khích tinh thần nỗ lực, gắn bó lâu dài của đội ngũ CBCC, VC thành phố. Trong đó, UBND thành phố xin được tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm và đề xuất cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho TPHCM để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của thành phố, đồng thời giảm căng thẳng, áp lực trong công việc do quá tải.

Sau gần 4 tháng rà soát, được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương ủng hộ, tạo hành lang đặc thù, HĐND TPHCM khóa X đã thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết về quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 đến hết thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Đồng thời, UBND TPHCM cũng đã cân đối nguồn cải cách tiền lương để đi đến quyết định tiếp tục chi thu nhập tăng thêm cho CBCC, VC thành phố ngay trước thềm năm mới Quý Mão 2023.

Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, với các chế độ đãi ngộ mới, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho CBCC, VC thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được tăng lên mức 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ trong năm nay. Đại diện lãnh đạo UBND TP cũng cho biết, sau khi rà soát, thành phố đảm bảo đủ điều kiện để chi thu nhập tăng thêm ở mức cao nhất cho CBCC, VC do nguồn lực ngân sách được cân đối mới. Như vậy, kể từ năm 2018 khi CBCC,VC thành phố được thu nhập tăng thêm 0,6 lần, đến năm 2019 là 1,2 lần và hiện hệ số điều chỉnh được duy trì tăng lên 1,8 lần.

Ngoài bổ sung nhiều chế độ cho đội ngũ CBCC-VC nói chung, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu cán bộ, lãnh đạo các đơn vị cần phải tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, nếu cơ quan, đơn vị nào có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% hàng năm thì thủ trưởng sẽ không được xem xét, đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ năm, cũng như không xem xét giải quyết thu nhập tăng thêm trong quý IV của năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng đãi ngộ để giữ chân công chức, viên chức