Theo Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào năm 2020, Đồng Nai sẽ có 7.000ha hồ tiêu, còn theo quy hoạch của tỉnh, đến thời điểm trên, diện tích hồ tiêu trong tỉnh là 10.000ha. Tuy nhiên, cuối tháng 10-2015, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 13.380ha tiêu. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, diện tích hồ tiêu phát triển quá so với quy hoạch nhiều năm là do thời gian qua, giá hồ tiêu luôn ở mức cao, nông dân đổ xô thay thế các loại cây khác bằng hồ tiêu.
Diện tích hồ tiêu tăng mạnh ở Đồng Nai.
Hơn 10 năm qua, gia đình bà Hà Thị Lan (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã gắn bó với cây chôm chôm. Nhờ năng suất, giá ổn định nên mỗi năm bà Lan về khoảng 60 triệu đồng từ 3.000m2 chôm chôm. Song tháng 8-2015, bà Lan quyết định chặt bỏ toàn bộ diện tích chôm chôm đang thu hoạch để chuyển sang trồng tiêu vì thấy bà con ở trong ấp Thọ Lộc đều trồng tiêu, với lợi nhuận mỗi năm trên 1 tỷ đồng/ha. Vì vậy bà Lan không thấy tiếc khi phá toàn bộ loại cây đang nuôi sống gia đình mình.
Để trồng 3.000m2 hồ tiêu, bà Lan phải bỏ ra gần 20 triệu đồng mua giống, phân bón... Cây tiêu sau hơn 3 năm mới cho thu hoạch, từ nay đến lúc đó gia đình bà còn phải bỏ công chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu... mỗi năm phải chi hàng chục triệu đồng. Theo bà Lan, nếu giá cứ giữ như hiện nay, khoảng 200.000 đồng/kg, cây tiêu phát triển tốt thì năm 2019 cho thu hoạch, lúc đó lợi nhuận từ cây tiêu mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng. Nhưng nếu không may, tiêu bị chết vì dịch bệnh, giá sẽ giảm thì thật gay go.
Bắt đầu trồng tiêu từ năm 2009, đến nay ông Trần Văn Cảnh (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã có 2ha tiêu đang cho thu hoạch. Đầu năm 2015, ông Cảnh trồng thêm 4.000m2 hồ tiêu, ngoài ra, ông còn tận dụng những khoảng trống trong vườn của gia đình để đặt cọc tiêu. Ông Cảnh chia sẻ: Trong vườn chỗ nào thừa đất là tôi đào hố trồng tiêu, thêm được cây nào hay cây đó. Năm 2014, lợi nhuận từ 2ha hồ tiêu của gia đình đạt trên 2 tỷ đồng.
Chạy theo lợi nhuận, nhiều diện tích cây công nghiệp lâu năm cho thu nhập ổn định ở Đồng Nai như điều, cao su đã bị chặt bỏ hàng loạt để nhường chỗ cho cây hồ tiêu. Tại huyện Xuân Lộc, từ đầu năm 2015 đến nay diện tích hồ tiêu đã tăng thêm trên 300ha, huyện Cẩm Mỹ tăng thêm 400ha. Ở các huyện như Thống Nhất, Trảng Bom, thị xã Long Khánh, từ năm 2012 đến nay, diện tích trồng hồ tiêu cũng tăng đột biến.
Theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết hết tháng 10-2015, toàn huyện Xuân Lộc có trên 2.800ha hồ tiêu. Với giá cao như hiện nay, nhiều khả năng thời gian tới diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, người dân cần hiểu rằng, tiêu là loại cây thích nghi với khí hậu nhiệt đới, có sinh lý nhạy cảm. Ở những vị trí như đất cao, đất có độ nghiêng lớn, đất quá thấp, đất lòng chảo, đất sét là không phù hợp để trồng tiêu.
Thời gian qua, ở Đồng Nai đã xảy ra hiện tượng tiêu chết do dịch bệnh, do trồng trên địa hình, địa lý không phù hợp, thiếu nước tưới. Vấn đề giá cả cũng không chắc chắn là sẽ ổn định trong những năm tiếp theo. Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu ở Đồng Nai đã tăng vượt quy hoạch đến năm 2020. Hiện, toàn tỉnh có 13.380ha hồ tiêu, riêng từ đầu năm 2015 đến nay, Đồng Nai có thêm 1.260ha tiêu.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu, tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiêu nhằm tránh tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến rớt giá; khuyến cáo nông dân thận trọng khi mở rộng diện tích hồ tiêu.