Giáo dục

Tăng học phí đại học: Khó đủ bề

Hàn Minh 13/08/2024 07:02

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), dù các trường đại học (ĐH) tăng học phí nhưng mức thu vẫn không đủ bù chi, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.

anhbaitren(4).jpg
Thí sinh tìm hiểu về Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Như Hùng.

Những khó khăn

Theo GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), dù học phí đã tăng theo lộ trình nhưng việc tăng lương cơ sở cho các cán bộ, giảng viên theo quy định của nhà nước cũng trở thành áp lực rất lớn lên vai các trường ĐH. Cụ thể, từ nay đến cuối năm, nhà trường cần chi thêm khoảng 12 tỷ đồng để tăng lương cho cán bộ giảng viên theo quy định mới. Cùng với đó, nhà trường vẫn phải tiếp tục đầu tư cho cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, thực hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

“Việc chi trả lương cần đặt lên cao hơn, nhất là các ngành công nghệ, kỹ thuật. Lương giảng viên các ngành này phải tương đối so với mức các doanh nghiệp thì mới có thể giữ chân họ” - ông Trình nói.

Phần lớn các trường ĐH, học viện đều cho biết rất áp lực với quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7. Điều này khiến quỹ tiền lương của các đơn vị hàng năm tăng cao, gây khó khăn trong cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, hiện nay chế độ tiền lương còn bất cập, chưa tương xứng với vị thế và đặc thù giảng viên ĐH. Cụ thể, Nghị định số 85/2023 của Chính phủ quy định: Giảng viên ĐH yêu cầu khi tuyển dụng phải có trình độ đào tạo là thạc sĩ trở lên (mất khoảng 6 năm học). Nhưng xếp lương thì như ĐH (4 năm), cho thấy tuyển dụng mới giảng viên sẽ thấp hơn ít nhất 1 bậc lương so với các chức danh nghề nghiệp khác. Điều này làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút giảng viên trẻ có học vị thạc sĩ, tiến sĩ.

Với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các trường giảm dần theo lộ trình tăng cường tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục ĐH, nguồn thu chính của các trường đang là học phí. Nhưng với hàng loạt các khoản tiền lương tăng, các chi phí trực tiếp, phí quản lý đều tăng... thì việc tăng học phí vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều trường ĐH công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để chi trả cho người lao động dẫn đến việc khó giữ chân được người giỏi vì doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao mời giảng viên giỏi.

“Liệu cơm gắp mắm”

Học phí các trường ĐH luôn là vấn đề được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm trong các mùa tuyển sinh. Cùng một chuyên ngành đào tạo nhưng ở mỗi trường, mức học phí có sự khác biệt lớn. Đơn cử, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo, tổng học phí cho cả khóa là 156.600.000 đồng. Riêng năm học 2024 - 2025, mức học phí ngành này là 32.800.000 đồng.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo, học phí cả khóa là 152.500.000 đồng. Trong đó, năm học 2024 - 2025, học phí cho sinh viên chính quy ngành này là 31.000.000 đồng.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo với mức học phí năm học 2024 - 2025 là 16.000.000 đồng.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đào tạo chuyên ngành IOT và Trí tuệ nhân tạo ứng dụng có mức học phí là 33.500.000 đồng cho năm học 2024 - 2025. Trong các năm học sau, học phí được điều chỉnh tăng không quá 10%.

Tương tự, giữa các ngành, chuyên ngành đào tạo trong cùng một trường ĐH cũng có sự chênh lệch lớn về học phí tùy chương trình đào tạo.

Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là người học trước khi quyết định lựa chọn trường cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của nhà trường, trong đó có mức học phí của năm học này và lộ trình tăng học phí các năm tiếp theo để có sự chuẩn bị về tài chính, tâm lý nếu muốn theo học lâu dài.

Về phía các nhà trường, mặc dù việc tăng học phí là chủ trương chung nhưng tăng bao nhiêu, lộ trình tăng ra sao cần tính toán kỹ và thông báo sớm đến người học. Như chia sẻ của GS.TS Chử Đức Trình, nhà trường không thể tăng học phí quá mức vì như vậy sẽ trái quy định và gây áp lực lên gia đình người học.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, nếu không đầu tư thì không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu. Nhà nước cần tiếp tục tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các trường ĐH. Cụ thể là tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học của các giảng viên có đề tài nghiên cứu, mong muốn nghiên cứu nhưng không có nguồn lực để nghiên cứu.

Trước đó, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đề xuất Việt Nam cần đầu tư với tỉ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH từ 0,23% lên ít nhất 0,8 - 1% GDP trước năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng học phí đại học: Khó đủ bề