Áp lực đang đặt ra với ngành giáo dục và từng nhà trường, từng thầy cô đó là học phí tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục phải tăng cùng với các biện pháp để hỗ trợ học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học vì học phí.
Dù lộ trình tăng học phí đã được báo trước, thậm chí hoãn 1 năm vì dịch Covid-19, song việc các địa phương thông báo tăng học phí gấp 3-5 lần so với trước đó đã và đang thu hẹp cơ hội học tập của một bộ phận HS nghèo, cận nghèo hoặc có điều kiện kinh tế trung bình. Vì vậy, song song với việc tăng học phí, các địa phương cũng đồng thời có các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Cụ thể, mức thu học phí năm học 2022-2023 của TPHCM đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên đối với nhóm 1 (HS ở các quận và thành phố Thủ Đức) là 300.000 đồng/tháng/HS ở tất cả các bậc học, trừ tiểu học được miễn học phí theo quy định. Với nhóm 2 (HS ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ) sẽ thu học phí mỗi tháng 120.000 đồng/HS, mẫu giáo và THCS đóng 100.000 đồng/HS, THPT đóng 200.000 đồng/HS.
Cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư sẽ được thu mỗi tháng từ 300.000 đến 1.350.000 đồng/HS (nhóm 1, bậc nhà trẻ - mẫu giáo), 300.000 đồng đến 1.625.000 đồng/HS (nhóm 1, bậc THCS, THPT), thu từ 100.000 đồng đến 550.000 đồng/HS (nhóm 2, bậc mẫu giáo - nhà trẻ), thu từ 100.000 đồng đến 675.000 đồng/HS (nhóm 2, bậc THCS) và 200.000 đồng đến 825.000 đồng/HS (nhóm 2, bậc THPT). Như vậy, mức thu này tăng lên so với năm học 2021-2022 ở tất cả các bậc học theo từng khu vực.
Tuy nhiên, TPHCM cũng thông tin sẽ chi ngân sách cấp bù học phí để mức thực đóng của phụ huynh năm nay không tăng so với năm ngoái. Mức hỗ trợ với từng HS là phần chênh lệch giữa học phí năm học 2022-2023 và 2021-2022.
Với HS Hà Nội, mức học phí phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như năm học 2021-2022. Phần chênh lệch so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định 81/2021, ngân sách thành phố sẽ cấp bổ sung cho các đơn vị. Dự kiến ngân sách thành phố phải hỗ trợ khoảng hơn 1.133 tỷ đồng cho năm học 2022-2023. Ngoài ra, UBND thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ học phí 100%, 70% và 50% đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và HS phổ thông của thành phố.
Giáo dục phổ thông và bậc ĐH đã, đang và sẽ tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 81 nên với nhiều người, thông tin này không gây bất ngờ. Song mức tăng bao nhiêu là vấn đề được nhiều người quan tâm cũng như những hỗ trợ đi kèm của các địa phương đối với những đối tượng khác nhau. Với bậc ĐH, đó là chính sách cấp học bổng, chương trình tín dụng sinh viên nói chung và của từng trường nói riêng… để HS thuộc hộ nghèo cũng vẫn có cơ hội học ĐH.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia giáo dục, vấn đề quan trọng khi học phí tăng đó là bài toán chất lượng dạy học có tăng theo? PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, việc tăng học phí là cần thiết, đúng lộ trình nhằm tăng chất lượng giảng dạy trong các nhà trường, giúp HS có môi trường học tập tốt hơn. Tuy nhiên, phụ huynh cũng có quyền yêu cầu về chất lượng đào tạo phải được nâng lên, HS được hưởng môi trường giáo dục tốt hơn trước. Đồng lương của giáo viên từ việc tăng học phí có được cải thiện hay không? Khi đó thầy cô có thêm động lực gắn bó tâm huyết, cống hiến cho nghề cũng giúp cải thiện chất lượng giáo dục
Từ phía nhà trường, PGS. TS Phạm Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, nếu tính mỗi sinh viên tăng 100.000 đồng/tháng học phí thì phát sinh tài chính đối với mỗi gia đình không đáng kể. Nhưng một năm, nhà trường sẽ có thêm khoản tiền đủ để xây một giảng đường mới cho sinh viên học cải thiện chất lượng đào tạo.