Ngày 20/3, trong chuyến khảo sát dự án Dân Chấm điểm M-Score (Mobilephone Scorecard - thẻ đánh giá chất lượng dịch vụ công trên điện thoại) một công cụ khảo sát hỏi người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước tại văn phòng 1 cửa (VP1C) thành phố Đông Hà, Quảng Trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để dự án tăng thêm hiệu quả, cần chuyển hướng cách làm, người dân tự chấm điểm tại VP1C hoặc sử dụng công
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khảo sát dự án Dân Chấm điểm M-Score tại Quảng Trị.
Cùng đi với đoàn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và đại diện của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Kênh đối thoại giữa chính quyền và người dân
Thủ tục hành chính từng được xem là một cụm từ “ám ảnh” nhất đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp. Về nguyên tắc, nền hành chính là để phục vụ nhân dân vì nhân dân là người nộp thuế để nuôi hệ thống cơ quan công quyền và công chức nhà nước nhưng trên thực tế nền hành chính đã dần mang tính uy quyền, tạo ra một hệ thống cán bộ công chức không biết “cười” với nhân dân.
Hơn thế, khi công dân có việc liên quan đến hành chính thì họ áp dụng một số “thủ đoạn hành chính” để “qua mặt” chính cơ quan nhà nước và công dân, tạo ra những bước trượt dài trong lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước.
Cho nên, nói “thủ tục hành chính đang là rào cản đối với hoạt động kinh doanh nói riêng và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung”, tuy không mới nhưng vẫn rất thời sự.
Trong bối cảnh đó, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời tiếp tục bổ sung Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/03/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
Cũng như nhiều tỉnh thành khác, Quảng Trị coi mục tiêu cải cách hành chính là quyết tâm chính trị, bởi vậy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để thực hiện dự án Dân chấm điểm.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc với trực tiếp với người dân tới làm việc thủ tục một cửa tại Quảng Trị.
M- Score là sự phối hợp của HĐND tỉnh Quảng Trị, Đại học Indiana (Mỹ), tổ chức Oxfarm, Viettel và Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam. Quảng Trị đã lập một website với tên miền: www.danchamdiem.vn để hướng dẫn các thao tác thực hiện cũng như cập nhật thông tin phản hồi với người dân. M-Score có 5 bước thực hiện: Người dân đến làm thủ tục – Gọi điện hoặc nhắn tin từ Tổng đài của Viettel 18008081 - "Kết quả được Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phân tích độc lập" - Xếp hạng được HĐND công khai trên trang web và gửi tin nhắn đến người dân - Kết quả này sẽ được áp dụng để cải thiện chất lượng phục vụ của VP1C.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Trị, mục tiêu của dự án là tạo ra công cụ khảo sát người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng phục vụ của các cơ quan Nhà nước.
Trên cơ sở đó, dự án sẽ tạo ra kênh đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân để nâng cao chất lượng dịch vụ công ở cấp cơ sở, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe ý kiến của người dân.
M-Score tập trung vào những lĩnh vực chính, nổi bật như đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh cho nên có thể phản ánh tương đối toàn diện chất lượng dịch vụ công của từng VP1C, cũng như sự thay đổi về chất lượng phục vụ của các VP1C theo thời gian.
“Khi mới triển khai Sáng kiến, tỷ lệ phỏng vấn thành công chỉ đạt trên 25%. Tuy nhiên đến nay, tại thời điểm khảo sát gần nhất, tỷ lệ phỏng vấn thành công đã đạt 97,1% số người đến làm thủ tục tại 9 bộ phận một cửa của tỉnh Quảng Trị.
Bên cạnh đó, đường dây nóng 1800.8081 hoạt động ổn định, được nhiều người dân biết đến và tin tưởng hơn; đã có hơn 500 cuộc gọi đến để hỏi về tình trạng hồ sơ và phản ánh, góp ý về chất lượng dịch vụ công. Thông tin tiếp nhận qua đường dây nóng đã được Thường trực HĐND tỉnh xử lý nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả” - Bí thư Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Cần chính sách từ trung ương
Theo Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Chiến Thắng một năm qua, 4 nhân viên của VP1C thành phố đã nhận và xử lý hơn 12 ngàn hồ sơ. Đối với những điểm chưa tốt, người dân cũng phản ánh rất thẳng thẳn.
Chẳng hạn đối với tình trạng thiếu công bằng khi tiếp nhận hồ sơ, ưu tiên cho “người quen”, chị Nguyễn Thị Kim Thảo tại VP1C Thành phố Đông Hà đã góp ý: “Cán bộ không công bằng. Tôi đến trước nhưng những người có người quen gọi xuống họ được chen ngang, cần phải thay đổi việc này”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nghe báo cáo kết quả của phòng làm thủ tục một cửa tại Quảng Trị.
Không những vậy, người dân còn chủ động đưa ra những gợi ý giúp cải thiện hiệu quả giải quyết thủ tục như bố trí khung giờ tiếp dân linh hoạt hơn, phù hợp cho người đi làm, sắp xếp chỗ ngồi thoáng mát, có nước uống cho người dân trong lúc chờ đợi nộp hồ sơ.
Tất cả những đánh giá, khuyến nghị của người dân đã được Chương trình Dân Chấm Điểm tổng hợp chi tiết trong báo cáo đầy đủ, làm cơ sở cho các cơ quan hữu quan điều chỉnh, cải thiện hoạt động của mình.
Điều đáng mừng, dự án đã thu được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của người dân, như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hiền Linh, người đi làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại thành phố Đông Hà với Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, “chương trình dân chấm điểm rất hay vì người dân có thể góp tiếng nói của mình. Từ khi thực hiện, tôi đã cảm nhận được rất nhiều thay đổi, đặc biệt môi trường làm việc tốt hơn, tận tình hơn”.
Để dự án Dân Chấm Điểm M-Score phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ quan công quyền, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng cho rằng, ngoài việc xây dựng cho được chính sách địa phương thì Quảng Trị đang cần chính sách từ trung ương. Đặc biệt, trong thời gian tới, dự án cần nghiên cứu thêm các giải pháp công nghệ mới để phù hợp với nhiều loại dịch vụ công khác nhau.
Chuyển hướng cách làm
Có thể nói, kinh nghiệm được rút ra trong năm đầu triển khai chương trình Dân Chấm Điểm M-Score cho thấy thành công bước đầu của Dự án đến từ tinh thần cầu thị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị công – tư, sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương và công tác truyền thông rộng rãi, tạo ra nhận thức tích cực và sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của người dân.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá rất cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị Quảng Trị luôn trăn trở về việc làm sao để đưa Quảng Trị phát triển vững mạnh toàn diện trong bối cảnh lợi thế tài nguyên không nhiều, thiên tai khắc nghiệt.
Đặc biệt, trong những năm qua, Quảng Trị đã có những phát triển vượt bậc về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn với ý tưởng xây dựng thành phố Đông Hà thành thành phố của hoà bình cũng như đã xác định rõ những chiến lược để phát triển lâu dài. Một trong những bước phát triển lâu dài là quyết tâm cải cách hành chính. Trong đó Dân chấm điểm là một phương pháp tốt để thực hiện quyết tâm này.
Nhìn vào mô hình này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới cần có sự chuyển hướng cách làm, theo cách đánh giá qua công nghệ điện tử không phỏng vấn qua điện thoại di động. Đây là cách tăng khả năng người dân tự chấm tại máy để bàn ở VP1C hoặc nhắn tin bằng phương tiện cá nhân. Đồng thời, chọn những đơn vị đã làm tốt để tăng thêm dịch vụ cần đánh giá. Cùng với đó là cần chọn 1 xã hoặc phường làm thí điểm cách làm này. Mặt trận các cấp phải vào cuộc nhiều hơn, trong ban chỉ đạo cần có một đại diện lãnh đạo của Mặt trận.
“Cách làm này sẽ góp phần giúp Quảng Trị giảm dần sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp, đơn vị ngoài tỉnh để tiết kiệm chi phí” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng.
Một trong những giám sát quốc gia của Mặt trận trong thời gian tới là giám sát an toàn thực phẩm, đánh giá sự hài lòng của người dân, qua đó thúc đẩy cải cách hành chính và môi trường kinh doanh cũng như đảm bảo việc an toàn thực phẩm. Nhấn mạnh tới nhiệm vụ đánh giá sự hài lòng của người dân, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới, Mặt trận sẽ cùng Bộ Nội vụ khảo sát tất cả những địa phương thực hiện chương trình này, từ đó sẽ có một bản tổng hợp và xây dựng được chương trình tổng thể để triển khai một cách đồng bộ. Đồng thời kiến nghị Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ thí điểm, sau khi thí điểm hoàn thành sẽ ban hành chính sách chính thức.
Trước đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với Tỉnh uỷ, UBMTTQ tỉnh Quảng Trị. Cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Hài hoà giữa cạnh tranh cấp tỉnh và sự hài lòng của người dân Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với quyết tâm của Quảng Trị trong dự án dân chấm điểm. Trong thời gian tới, Quảng trị nên quan tâm đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh song hành với đánh giá sự hài lòng của người dân vì có nhiều địa phương, cạnh tranh cấp tỉnh rất tốt, kêu gọi đầu tư tốt nhưng sự hài lòng của người dân lại không cao. Vì vậy cần phải hài hoà hai chỉ số quan trọng này. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang thực hiện mô hình dân chấm điểm như Cao Lãnh, Đồng Tháp trang bị ipad để trong 1 góc khuất để người dân chấm điểm với 3 tiêu chí: Thân thiện, minh bạch, hài lòng. Sau đó, dữ liệu này sẽ được gửi về trung tâm thông tin, trung tâm này sẽ truyền dữ liệu về cho lãnh đạo các huyện, xã từ đó góp phần điều chỉnh trong việc CCHC ở từng dịch vụ cụ thể. Quảng Trị nên tham khảo thêm một số mô hình khác đồng thời, gắn đẩy mạnh CCHC với giảm biên chế. |
Dạ Yến - Quảng Nghĩa
Ảnh:Hoàng Long