Được coi là trụ đỡ của ngành kinh tế nhưng 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa đạt 2% và đóng góp chỉ đạt 0,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế thực sự là con số đáng suy nghĩ.
Nông nghiệp vẫn phát triển manh mún.
Đóng góp thấp vào tăng trưởng chung
Theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp 9 tháng qua vẫn phải chứng kiến cảnh phải giải cứu từ chuối, dưa hấu đến gia cầm, thịt lợn… thì sẽ khó có thể trở thành một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. So với năm ngoái, ngành nông nghiệp mặc dù tăng cao hơn mức tăng 0,02% của cùng kỳ năm trước nhưng quý 3 có dấu hiệu chững lại so với 6 tháng đầu năm khi tốc độ tăng chỉ ở mức 1,96%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Nhận định về những con số mà ngành nông nghiệp đã đóng góp cho nền kinh tế thời gian qua, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta không thể lơ là với lĩnh vực này bởi nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về thiên nhiên cũng như thị trường. Theo ông Ánh, trong quãng thời gian 2014-2016, ngành nông nghiệp liên tiếp gặp khó khăn, thậm chí nhiều quý tăng trưởng âm do đó những rủi ro cho khu vực nông nghiệp nông thôn cũng có thể có những tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Trong mọi lĩnh vực thì kinh tế nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lớn nhất.
Cũng đồng tình với những nhận định, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nêu lên quan điểm: Mặc dù giá trị kinh tế tính bằng tiền không lớn hơn nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ, nhưng khi ngành nông nghiệp phát triển bền vững sẽ kéo theo sự ổn định đời sống, an sinh xã hội, bởi 70% dân số đang làm nông nghiệp, phụ thuộc vào nông nghiệp.
Đánh giá cao những đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng qua, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, cần có các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn để gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới. “Điểm sáng đáng phấn khởi nhất là nông nghiệp là đang có những cải tiến, cơ cấu lại, chuyển đổi từ lúa gạo sang tôm, cá… Song song với đó là đưa khoa học công nghệ vào để phục vụ sản xuất, rồi các gói hỗ trợ tín dụng nông nghiệp. Nông nghiệp phải chế biến, chúng ta không thể mãi sản xuất thô, và khi đưa khoa học công nghệ vào chế biến nông nghiệp, chắc chắn sẽ bứt phá.
Cần thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Chung quan điểm, PGS TS Phạm Tất Thắng cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo chuỗi, nhưng việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế, chưa tận dụng được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp. Do đó, cần phải có chính sách tốt hơn, trong đó, chính sách đất đai, hạn điền là một ví dụ để phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn.Theo ông Thắng, phải gắn sản xuất với thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với đa dạng hóa các thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, khi đó chắc chắn sẽ không còn cảnh “giải cứu” nông sản như trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh đến yếu tố liên kết. Theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế thì không thể “lung lay” vì lung lay thì kinh tế sẽ còn mãi tụt hậu, đi sau các nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay. Và muốn ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm trụ đỡ, không thể để nền nông nghiệp cứ mãi phát triển một cách manh mún, nhỏ lẻ, nông dân mạnh ai nấy làm.
Theo TS Lưu Bích Hồ, thiếu tính liên kết đang là điểm yếu khiến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực của ta không lớn, trong đó, nếu nông nghiệp thiếu tính liên kết thì hậu quả sẽ khôn lường. Đây chính là hậu quả của việc phải giải cứu lợn, giải cứu dưa hấu, vải thiều và rất nhiều mặt hàng nông sản khác thời gian qua. Do vậy, ngành nông nghiệp phải làm tốt việc liên kết “4 nhà” đã đề ra từ rất nhiều năm qua. Đồng thời với đó, phải phát huy thế mạnh của từng vùng miền, gắn với liên kết vùng miền để phát huy và bổ trợ cho nhau. Có như vậy, nông nghiệp mới phát triển bền vững và đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.