Tăng lương cơ sở: Nỗi lo tăng giá sau tăng lương

Khanh Lê – Minh Sang 01/07/2023 06:50

Tăng lương cơ sở từ 1/7 là việc có ý nghĩa lớn 3 năm qua, lương cơ sở mới được điều chỉnh một lần.

Sau mỗi lần tăng lương, người tiêu dùng lại lo ngại cuộc rượt đuổi không cân sức giữa lương và giá. Ảnh: Quang Vinh.

Mức tăng cao nhất từ trước đến nay

Theo Nghị định số 24/2023 của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ chính thức có hiệu lực, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ Nội vụ, nguồn kinh phí ngân sách tăng thêm trong năm 2023 khoảng 44 nghìn tỷ đồng. Việc tăng lương cơ sở được thực hiện theo nguyên tắc “bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, so với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử. Mức tăng tuyệt đối lên tới 310.000 đồng, tăng 20,8%, trong khi đó, những năm trước mức tăng chỉ dao động từ 60.000-200.000 đồng. Nếu lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số thì công nhân, viên chức sẽ được tăng khoản tiền lương tương đối. Mức tăng từ hơn 400.000 đồng cho tới hơn 2.000.000 đồng/1 tháng.

Ngoài điều chỉnh lương cơ sở, Chính phủ cũng trình Quốc hội tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Đồng thời tăng trợ cấp ưu đãi người có công và tăng các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Số tiền ngân sách cần có để chi cho các chính sách này khoảng 3.550 tỷ đồng. Việc này cũng nhằm thực hiện chủ trương quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Là kế toán của một trường học sau 10 năm công tác nhưng tổng thu nhập hàng tháng của chị Phạm Minh Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ vỏn vẹn hơn 5 triệu đồng. Với số tiền này, chị Thùy chỉ đủ đóng học cho con, để có thêm thu nhập chị Thùy phải bán hàng online. “Cũng may tôi ở Hà Nội, việc buôn bán làm thêm còn thuận lợi chứ nếu ở vùng quê thì thực sự khó khăn với thu nhập đó. Đợt này lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, khi nhân với hệ số thâm niên tổng thu nhập cũng tăng chút ít, cũng đủ để những công chức, viên chức như chúng tôi có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt hàng ngày” - chị Thùy giãi bày.

Dù không thuộc đối tượng được tăng lương nhưng chị Nguyễn Thị Vân - công nhân may ở Đông Anh, Hà Nội, cũng rất phấn khởi trước thông tin tăng lương cơ sở. “Dù chúng tôi không thuộc đối tượng được điều chỉnh tăng lương cơ sở nhưng theo Điều 29 và Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau 1 ngày và mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản 1 ngày đều được tính bằng 30% mức lương cơ sở. Từ ngày 1/7, mức hưởng 2 chế độ BHXH này sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày. Tương tự theo Điều 38 Luật BHXH, trợ cấp một lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi bằng 2 lần mức lương cơ sở. Từ ngày 1/7, mức hưởng trợ cấp này sẽ tăng từ 2,98 triệu đồng cho mỗi con lên thành 3,6 triệu đồng cho mỗi con. Với công nhân chúng tôi dù chỉ được tăng một vài trăm nghìn cũng rất đáng quý” - chị Vân nói.

Thực tế 3 năm qua, lương cơ sở mới được điều chỉnh 1 lần từ ngày 1/7/2019, tăng khoảng 7,19%. Trong khi đó đối với khu vực doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 3 lần (lần 1 từ ngày 1/1/2019 tăng khoảng 5,23%, lần 2 từ ngày 1/1/2020 tăng khoảng 5,5% và lần 3 từ ngày 1/7/2022 tăng khoảng 6%).

Tổng 3 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp tăng khoảng 17,7%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 7/2019 ước tính đến hết năm 2022 đã tăng khoảng 10%. Tuy nhiên 3 năm qua mức lương cơ sở không được điều chỉnh tăng khiến cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư gia tăng.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh lương cơ sở lần này được đánh giá là một sự động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và cũng là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Bên cạnh niềm vui tăng lương, người tiêu dùng lại canh cánh nỗi lo tăng giá.

Nỗi lo tăng giá…

Tăng lương, ai cũng mừng và phấn khởi nhưng dường như niềm vui này hiếm khi trọn vẹn bởi, sau mỗi lần tăng lương là một cuộc rượt đuổi không cân sức giữa lương và giá. Câu chuyện tăng lương, tăng giá là câu chuyện không mới. Và lần này không ngoại lệ, trước thời điểm lương chính thức tăng, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã gia tăng.

Đầu tiên phải kể tới giá điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Không chỉ giá điện, dự kiến giá nước sạch tới đây sẽ tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 trong năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024. Giá điện tăng cũng kéo theo giá hàng loạt nhu yếu phẩm, sinh hoạt tăng.

Theo phân tích của giới chuyên gia, khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2023 khoảng 0,54%. Trước đó, Tổng cục Thống kê đã dự báo CPI năm 2023 (khi chưa có phương án điều chỉnh tiền lương) tăng khoảng từ 4 - 4,5% so với năm 2022. Khi điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện từ ngày 1/7/2023 thì chỉ số CPI năm 2023 sẽ tăng từ 4,5 - 5,0%.

Bà Nguyễn Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, tăng lương là điều rất đáng mừng, nhưng tăng lương phải tính tới việc kìm giá, lạm phát. Thực tế ghi nhận câu chuyện tăng lương luôn kèm tăng giá. Đôi khi lương chưa tăng, giá cả đã tăng rồi. “Nói đúng ra không hẳn là tăng lương, tăng giá, mà do lạm phát nên giá cả tăng liên tục. Vì thế giá tăng đâu có đợi lương, nên nói tăng lương tăng giá là cũng chưa hẳn đúng, mà phải nói điều chỉnh tiền lương bù trượt giá” - bà Hương nói, đồng thời kiến nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát giá, phát triển thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm chất lượng, thu nhập cao cho người lao động. Riêng với nhóm công chức, viên chức, bà Hương cho rằng, tiền lương còn quá thấp, cần điều chỉnh với mức độ cao thì tiền lương của khu vực công mới đuổi kịp tiền lương của khu vực tư. "Thực hiện cải cách tiền lương, đưa lương về đúng giá trị thực, cắt giảm các khoản phụ cấp không cần thiết, trả lương theo vị trí việc làm… là những việc cần sớm thực hiện" - bà Hương cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi:

Cần truyền thông tốt để giải quyết vấn đề tâm lý

Các giải pháp kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới kiểm soát tốt hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra trong năm 2023 là xuyên suốt cả năm. Trong đó, bao gồm cả việc tính tới nhiệm vụ, chính sách khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. Một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là cần làm tốt là truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý để không gây hoang mang cho người tiêu dùng. Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng ít càng tốt. Còn nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra.

Ông Doãn Mậu Diệp - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội:

Lương phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống

Việc tăng lương cơ sở lần này có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều công chức, viên chức xin ra khỏi ngành vì mức lương quá thấp. Song giải pháp dài hạn và căn cơ vẫn là cải cách tiền lương. Nghị quyết 27 nói rõ, tiền lương của người lao động phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ và lương phải chiếm 70% trong cơ cấu, còn lại là phụ cấp... Đồng thời, trả lương theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo quản lý, phụ cấp chức vụ. Do đó để cải cách tiền lương đạt hiệu quả thì trước hết phải tiết kiệm, tăng thu ngân sách...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lương cơ sở: Nỗi lo tăng giá sau tăng lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO