Muốn năng suất lao động tăng thì lương là một trong những đòn bẩy quan trọng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.
Ông Bùi Sỹ Lợi.
PV: Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, lương công chức sẽ khó tăng theo lộ trình vì chưa cân đối được ngân sách, như vậy đã 4 năm liên tiếp lương ở khu vực này không tăng, vì sao vậy thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Có nhiều lý do khiến lương chưa thể tăng. Trước hết là do ngân sách chưa đáp ứng được mà tiền lương khu vực này là hoàn toàn do ngân sách chi trả, không như với khu vực sản xuất kinh doanh thực hiện lương thỏa thuận. Trong khi đó, bộ máy hành chính vẫn chưa được cải cách, vẫn phình ra và năng suất lao động ở khu vực công đang “có vấn đề”.
Những thành phần công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” nhiều thì làm sao cải cách được tiền lương. Nếu ngân sách không cân đối được, thì một là phải tăng nợ công lên, hai là phải vay để cải cách tiền lương.
Nhưng về lâu dài tiền lương phải được cải cách, thưa ông?
- Đúng vậy, về lâu về dài lương ở khu vực công phải tăng theo hướng tăng mức lương tối thiểu lên. Theo đó, phải cải cách trên tinh thần cải cách toàn diện hệ thống thang bảng lương để thúc đẩy tăng năng suất động của bộ máy này tăng lên. Không để tồn tại mãi thực trạng cán bộ sáng cắp ô đi tối cắp về được.
Lương phải tăng, nhưng quan trọng lấy nguồn ở đâu trong khi ngân sách phải cân đối nhiều mặt. Rất may chúng ta điều hành kinh tế vĩ mô rất tốt, đã giảm được lạm phát, ổn định an sinh xã hội, chỉ số lạm phát không quá 2%, điều này cũng làm chúng ta có phần yên tâm hơn khi chưa có nguồn để nâng lương.
Chậm tăng lương thì cán bộ công chức cũng khó, nhưng cũng cần chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp.
Ai cũng biết muốn tăng lương trong khi đội ngũ quá cồng kềnh ắt phải tinh giản biên chế, nhưng tinh giản biên chế đâu có đơn giản, thưa ông?
- Giờ chúng ta đang thực hiện Nghị định 108 về tinh giản biên chế. Nhưng tôi nghĩ cần tích cực hơn nữa trong việc tinh giản biên chế. Có thể có những nơi 2 người nghỉ hưu 1 vào, có nơi 1 người nghỉ hưu 1 người vào, nhưng có nơi 2 người nghỉ mà không cần ai vào.
Muốn biết chính xác vị trí nào cần tinh giản phải căn cứ vị trí việc làm và sắp xếp lại bộ máy. Không chấp nhận cào bằng. Chỗ nhu cầu phát triển phải tăng lên, nhưng có chỗ không cần thì không tăng. Phải làm theo nguyên tắc thừa phải cắt giảm.
Làm sao giám sát hiệu quả việc tinh giản biên chế để các đơn vị không xé rào trong việc nhận và loại người ra khỏi bộ máy?
- Ở Trung ương, QH phải vào cuộc giám sát triển khai thực hiện; ở cấp địa phương HĐND phải giám sát các cơ quan, đơn vị của địa phương. MTTQ các đoàn thể và nhân dân cũng phải giám sát việc này. Đặc biệt, phải nêu cao trách nhiệm của chính đơn vị, người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu thêm, bớt người sai.
Cũng liên quan đến câu chuyện tăng lương. Lương khu vực doanh nghiệp dù phương án 12,4% đã được Hội đồng tiền lương Quốc gia chốt, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng: Tăng lương tối thiểu sẽ làm tiền lương công nhân giảm xuống vì tất cả chi phí bảo hiểm các loại phí tăng lên theo tỉ lệ. Và sau khi trừ các khoản này, tiền người lao động thu được còn thấp hơn chưa tăng lương tối thiểu, ý kiến của ông?
- Điều đó không đúng vì tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất chủ sử dụng lao động trả cho người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường. Lương tăng lên do năng suất lao động tăng lên. Tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.
Giờ lý giải tăng lương tối thiểu, chắc chắn phải tăng các khoản BHXH, y tế và nói rằng tăng lên như vậy rồi trừ tiền lương NLĐ thì không phải. Vấn đề quan trọng là chủ sử dụng lao động phải đổi mới công nghệ, nếu chúng ta không thúc đẩy quá trình nâng tiền lương tối thiểu thì chủ sử dụng lao động không bao giờ quan tâm đến đổi mới công nghệ để phát triến sản xuất, một trong những yếu tố để tăng năng suất lao động. Tất nhiên, con người là quyết định nhưng nếu không thay đổi công nghệ thì năng suất không tăng được.
Có một thực tế, ngành da giày, dệt may năng suất lao động thấp khiến lương của NLĐ cũng không đủ sống. Nhưng năng suất lao động đã thấp thế rồi mà chúng ta không tích cực nâng tiền lương tối thiểu, cải thiện cuộc sống đời sống NLĐ làm sao gắn bó với doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng người ta sẽ nhảy việc.
Nhảy việc thì có câu chuyện NLĐ tìm việc khác, chủ sử dụng LĐ sẽ mất nguồn lao động sẽ lãng phí nguồn nhân lực họ dầy công đào tạo. Vì vậy, nhất thiết phải đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động đồng thời ngăn tình trạng chảy máu nguồn nhân lực.
Trân trọng cảm ơn ông!