Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ mục tiêu tăng lương cơ sở khoảng 7%/năm. Chiều ngày 10/11, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Đảng đã ra Nghị quyết phải rà soát lại bộ máy, đặc biệt là cán bộ, kể cả cán bộ đứng đầu không đủ tiêu chuẩn, không đủ năng lực, vi phạm đạo đức thì có thể cho nghỉ trước, không đợi đến hết nhiệm kỳ. Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ thế thì chắc chắn Quốc hội phải thể chế hóa bằng các
Ông Lê Thanh Vân.
PV:Thưa ông Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ mục tiêu tăng lương cơ sở khoảng 7%/năm. Vậy làm sao để bảo đảo nguồn để trả lương?
Ông Lê Thanh Vân: Chúng ta sẽ cân đối trong thu ngân sách để lấy nguồn trả lương vì trong kế hoạch đã có rồi. Nguyên tắc là lương phải chi từ ngân sách chứ không thể vay để trả lương được. Trong mấy năm vừa rồi, mình thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nên lộ trình tăng lương của chúng ta theo mục tiêu đề ra bị trễ. Điều đó do mình thu ngân sách giảm.
Thu ngân sách giảm theo báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách đã xác định do nguyên nhân khách quan do có những sự kiện bất ngờ như: thiên tai, yếu tố bên ngoài như: giá dầu giảm, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hàng hóa không bán được nên thất thu. Cái nữa là chúng ta có chính sách giảm thuế để giúp cho doanh nghiệp hỗ trợ cho hộ kinh doanh vừa và nhỏ. Mấy năm liền chính sách là giảm thuế cho nên thu ngân sách giảm, thu ngân sách giảm thì tiền thu không có thì lộ trình nâng lương bị giảm.
Kế hoạch tài chính vừa được Quốc hội thông qua thể hiện quyết tâm của Chính phủ và cơ quan thẩm tra cũng thấy rằng, việc tăng thu ngân sách là đòi hỏi khắc phục khó khăn, đưa ra các giải pháp để thực hiện làm sao ngân sách trong năm tới tăng lên 1,6 lần, người ta tính trên cơ sở đó là có dư địa để mà lấy ngân sách chi cho cải cách tiền lương.
Nếu thu ngân sách giảm thì có cơ chế nào để bắt Chính phủ phải thực hiện, thưa ông?
- Đó là việc của Chính phủ. Khi mục tiêu đưa ra là phải tăng 7% cho cải cách tiền lương buộc hàng năm Chính phủ phải cân đối lại thu chi, trình Quốc hội trong kế hoạc tài chính 5 năm.
Khi nói chuyện này, Nghị quyết có nêu căn cứ vào tình hình thực tế, có biến động thì Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch tài chính hằng năm, nhưng rõ ràng việc lộ trình tăng lương được đưa vào Nghị quyết nó thể hiện quyết tâm của Chính phủ phải thực hiện lộ trình ấy vì đã trễ quá. Riêng tiền lương là chi cho con người, kế hoạch tài chính 5 năm đã xác định ưu tiên rồi nên phải thực hiện.
Chúng ta tăng lương nhưng biên chế chưa giảm vậy làm sao để tăng lương gắn với hiệu quả của công việc?
- Đúng thế. Việc bảo đảm chi cho tăng lương muốn thực hiện phải có hàng loạt chính sách đồng bộ trong đó có thiết chặt kỷ luật tài chính, giảm mạnh các khoản chi không cần thiết, lãng phí, thậm chí cắt giảm mạnh chi tiêu hành chính.
Thứ hai là tiết kiệm những khoản chi cho đầu tư. Như hiện nay các hạng mục công trình Quốc hội ghi trong kế hoạch đầu tư công là tiết kiệm 10% và đó cũng là động lực để thực hiện mục tiêu để tiết giảm chi sử dụng từ nguồn vốn ngân sách.
Đi đôi với hai giải pháp trên phải đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hẹp sự trùng lắp, chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ đặc biệt phải tinh giản đội ngũ công chức. ĐBQH đã nói nhiều đến số lượng ước lệ khoảng 30% số “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.
Rõ ràng, nếu tinh giản được biên chế bằng cơ học, cộng với việc rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ thì đấy cũng là cách để tạo ra biện pháp đồng bộ để giảm áp lực chi cho bộ máy quá cồng kềnh và tới đây có lẽ Quốc hội phải có động thái rõ ràng. Đảng đã ra Nghị quyết phải rà soát lại bộ máy, đặc biệt là cán bộ, kể cả cán bộ đứng đầu không đủ tiêu chuẩn, không đủ năng lực, vi phạm đạo đức thì có thể cho nghỉ trước, không đợi đến hết nhiệm kỳ.
Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ thế thì chắc chắn Quốc hội phải thể chế hóa bằng các biện pháp cụ thể. Với những giải pháp đồng bộ thì không lo 7% cho lộ trình tăng lương.
Thực tế nguồn thu của chúng ta chủ yếu dựa vào thu từ giá dầu thô nhhưng dự báo giá dầu chưa chắc nhích lên mà vẫn nằm ở mức 50 USD/ thùng?
- Trong kế hoạch tài chính 5 năm có đề cập đến chuyện này, trước đây mình coi dầu thô là nguồn thu chính cho ngân sách. Nhưng rõ ràng ta phải nhận thức lại vấn đề này.
Tăng trưởng của chúng ta thực sự phải bằng nội lực của nền kinh tế, tức là phải phát triển theo chiều sâu rộng để thúc đẩy tăng trưởng khu vực sản xuất kinh doanh, làm ra của cải vật chất để tăng thu ngân sách chứ không phải dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản. Đó là hướng đi tích cực thể hiện tái cấu trúc nền kinh tế.
Thưa ông chúng ta chi cho con người quá lớn, trong khi hiệu quả công việc không tương xứng. Vậy làm sao để tăng lương và tăng năng suất lao động một cách tương xứng?
- Chúng ta có bất cập là chi tăng lương không đồng hành với tăng trưởng. Ví như trong nhà mình làm ra 3 đồng nhưng chi đến 5-7 đồng nên luôn luôn tạo ra áp lực bội chi.
Thứ hai nợ công tăng lên gấp 3 lần so với tốc độ GDP là áp lực dẫn đến bội chi, mà bội chi dẫn đến nợ. Rõ ràng chính sách vĩ mô phải tác động vào 2 cái đấy.
Một là tác động vào cân đối thu chi giữa tốc độ tăng trưởng với tốc độ nợ công. Trong giải pháp, Quốc hội đã quyết định là giảm mức bội chi từ nay đến năm 2020, tốc độ bội chi bình quân là dưới 4%, và cán đích vào năm 2020 là 3%. Đó là giải pháp phải cực kỳ quyết liệt mới làm được.
Thứ hai là giải quyết bài toán giữa lực lượng lao động nhiều mà năng suất lao động thấp thì phải cấu trúc lại các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ các ngành kinh tế để tạo ra động thái mới cho người lao động tăng năng suất lao động lên.
Đi kèm với đó là giảm biên chế trong bộ máy sự nghiệp thì dần dần chúng ta mới trở lại mức cân đối giữa ngân sách và chi trả tiền lương.
Xin cảm ơn ông!