Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu năm 2022 lương tối thiểu vùng tiếp tục không tăng thì đời sống của người lao động sẽ vô cùng khó khăn sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thêm vào đó, nếu chờ đến năm 2023 mới điều chỉnh tăng thì việc tính toán mức tăng phù hợp càng khó.
Sẽ điều tra mức sống của người lao động
Do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động. Theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Trước năm 2020, tiền lương tối thiểu của công nhân thường được tăng mỗi năm từ 5-7%. Thế nhưng trong hai năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng 2021 đã không tăng và được thực hiện theo mức lương công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Với mức thu nhập này trong bối cảnh “bão giá” không ít người lao động đã không thể bám trụ, dời thành phố về quê mưu sinh. Kết quả rà soát của Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, sau Tết Nhâm Dần vừa qua, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Tuy nhiên, một số địa phương có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%). Bên cạnh yếu tố dịch bệnh thì mức lương không đủ sống trong khi giá cả leo thang chính là nguyên nhân khiến người lao động bỏ việc để về quê.
Trước thực tế này, mới đây Bộ LĐTB&XH đã có thông báo gửi các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan. Theo Bộ LĐTB&XH việc khảo sát nhằm tìm hiểu việc doanh nghiệp đã điều chỉnh lương ra sao trong quý I/2022, khi tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021 không thay đổi. Cơ quan quản lý sẽ thống kê mức lương thấp nhất thực trả cho người lao động tại 4 vùng lương trong cả nước.
Qua hoạt động điều tra, khảo sát, cơ quan chức năng đồng thời tiếp thu những kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp về chính sách tiền lương tối thiểu có cần điều chỉnh trong năm 2022 hay không.
Theo kế hoạch, dự kiến việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển. Các doanh nghiệp được điều tra thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ.
Tăng lương là yêu cầu tất yếu
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay lương công nhân không đủ sống đang là một bài toán vô cùng cấp bách, cần sớm tìm được lời giải.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia thì chưa có quyết định nào về tiền lương tối thiểu năm 2022 có điều chỉnh hay không. Theo ông Quảng, nếu năm 2022 không tăng lương thối thiểu thì đời sống của người lao động sẽ còn tiếp tục khó khăn. Mặt khác, nếu chờ đến năm 2023 tăng lương tối thiểu thì sẽ phải tính toán làm sao bù đắp được cho người lao động phần của 3 năm không tăng lương tối thiểu, nhưng nếu mức tăng nhiều quá thì cũng dễ gây “sốc” cho việc chi trả của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, sau 2 năm không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp đã “lấy cớ” Chính phủ chưa tăng lương để không tăng lương cho người lao động, đồng thời giảm bớt một số chế độ, khiến đời sống công nhân càng khó khăn, dẫn đến một số cuộc ngừng việc tập thể để phản ứng. Tuy nhiên, sau khi tổ chức Công đoàn đàm phán, thương thuyết, chủ doanh nghiệp đã đồng ý tăng lương cho người lao động.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần khuyến nghị với Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm xem xét tăng lương tối thiểu cho người lao động. Về lâu dài, cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của người lao động tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho lao động nhập cư.
Nhìn nhận việc tăng lương ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Cơ quan đại diện người sử dụng lao động cho rằng, tăng lương là nguyện vọng chính đáng của người lao động, cũng có thể xem đây là giải pháp để khôi phục thị trường lao động, thu hút người lao động trở lại thành phố, nên cần xem xét. Theo ông Phòng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, 2 năm qua lương tối thiểu không tăng, nên nếu tăng cần phải tính toán kỹ, bởi người lao động cũng cần mức lương đủ đáp ứng mức sống tối thiểu.
Đồng tình quan điểm ưu tiên trước mắt là tạo nguồn để doanh nghiệp hồi phục, tuy nhiên TS. Nguyễn Việt Cường – Thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, cần có những biện pháp để đảm bảo việc tuân thủ mức lương tối thiểu. Đặc biệt, người lao động có mức lương thấp cần được hỗ trợ trong dịch Covid-19 để giảm bớt khó khăn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng, doanh nghiệp phải coi tăng lương là đầu tư, chia sẻ khó khăn với người lao động, chấp nhận ít lợi nhuận, không lợi nhuận, thậm chí có thể lỗ ngắn hạn vì người lao động không thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện phục vụ nhu cầu tối thiểu của sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Cùng với việc đề xuất tăng lương nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cách thức xác định mức lương tối thiểu vùng hiện nay cần phải đổi mới, nhất là việc chọn rổ hàng hóa, xác định lại các nhóm chi phí. Theo đó quá trình xây dựng cần thiết phải có sự tham gia của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, đề xuất mức trả phù hợp thực tế về giá cả, nhu cầu, môi trường…để đảm bảo công nhân đủ sống, tránh câu chuyện tăng lương thì giá lại tăng.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia:
Tăng lương để ổn định thị trường
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thời điểm này là rất cần thiết. Hiện trong 7 yếu tố cấu thành lương tối thiểu có nhiều yếu tố đã thay đổi như CPI, mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, tốc độ tăng trưởng... Chính vì thế, mức lương tối thiểu hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn.
Ảnh hưởng dịch Covid, doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động cũng khó khăn không kém, nhất là hiện nay giá cả đều leo thang. Trong khi đó đã 2 năm chúng ta chưa tăng lương, nếu để dồn nhiều năm mới tăng lương tối thiểu một lần, trong khi các chỉ số đánh giá đều biến động dễ dẫn tới các cú sốc chính sách. Từ năm 2016-2020, tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%/năm nhưng 2 năm vừa qua lương vẫn “neo” mức cũ, không tăng nên năm nay cần xem xét điều chỉnh.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH:
Đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động
Lương trong khu vực doanh nghiệp những năm qua cơ bản vẫn do thị trường quyết định. Nhà nước can thiệp vào lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu để người lao động không bị bần cùng hóa hay nghèo đi. Phần còn lại thị trường tự điều phối, song phụ thuộc vào hai bên: “Sức khỏe” của doanh nghiệp và khả năng thương lượng của người lao động.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, việc tăng lương cho người lao động cũng tạm hoãn 2 năm. Đây có thể nói là sự sẻ chia rất lớn của người lao động đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện Chính phủ đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế bằng những chính sách tài khoá, tín dụng... Nếu tình hình kiểm soát dịch tốt, kinh tế phục hồi thì cũng nên xem xét việc tăng lương tối thiểu vùng. Song mức tăng thế nào cũng cần tính toán, cân nhắc kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích cho hai bên. Bởi doanh nghiệp thực sự hồi phục mới góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động.