Trước những ý kiến băn khoăn xung quanh đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với 8 nhóm đối tượng ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB-XH cho rằng, do tác động của đại dịch Covid-19, việc đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH cho năm 2022 chính là nhằm tiếp tục khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước hướng tới đảm bảo cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghỉ hưu; đặc biệt giúp thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa các thời kỳ.
Để đảm bảo quyền lợi cho người nghỉ hưu Bộ LĐTB-XH đã đề xuất 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp. Cụ thể, với phương án điều chỉnh từ ngày 1/7/2021, mức tăng dự kiến là 10%. Mức này nhằm để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Số người được điều chỉnh từ ngân sách Nhà nước chi trả ước tính hơn 925.000, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu người, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.
Phương án 2 là điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2022 với mức 15%. Theo lý giải của Bộ LĐTB-XH, mức tăng này nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát.
Đồng thời, mức này để chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng.
Trước đề xuất này của Bộ LĐTB-XH đã có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm về mức tăng cũng như thời điểm tăng. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phương án nào có lợi cho người về hưu lựa chọn bởi thực tế phần lớn những người hưu trí có mức thu nhập thấp nên khi về hưu cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, không nên tăng lương hưu cho những đối tượng này vì thời điểm này chưa thích hợp, Nhà nước đang cần phải dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các nhóm yếu thế khác vượt qua khủng hoảng của dịch.
Trước những ý kiến trên theo ông Trần Hải Nam, mục tiêu của đề xuất nhằm cải thiện mức lương hưu của người nghỉ hưu nói chung. Bên cạnh đó, có điều chỉnh tăng thêm với những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương thấp, nhằm thu hẹp khoảng cách lương hưu của người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Cũng theo ông Trần Hải Nam, theo quy định của Luật BHXH cũng như kinh nghiệm quốc tế, yếu tố lạm phát là một trong những căn cứ để Chính phủ xem xét điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH. Nếu như ở giai đoạn trước năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức cao, Chính phủ thường xuyên thực hiện điều chỉnh lương hưu, thậm chí có những năm điều chỉnh 2 lần, thì những năm gần đây nhờ nỗ lực của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định cùng với tỷ lệ lạm phát thấp. Do đó, áp lực điều chỉnh tăng lương hưu không còn như trước.
Trước đề xuất nên tăng lương hưu theo tỷ lệ và tùy từng đối tượng có mức tăng khác nhau để tránh tình trạng lương hưu cao, thấp khi tăng ông Nam cho rằng, theo quy định của Luật BHXH, mức hưởng được xác định dựa trên cơ sở tiền lương đóng, cũng như quá trình NLĐ tham gia công tác và đóng vào quỹ BHXH trước đây. Do đó, một trong những quan điểm đặt ra trong cải cách chính sách BHXH, đó là phải làm sao có những giải pháp thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa những người nghỉ hưu ở các khu vực, các thành phần kinh tế và các thời kỳ- đây là một trong những nội dung đã và sẽ được các bộ, ngành xem xét tháo gỡ.