Mới đây hai đầu tầu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều xin cơ chế đặc thù để tăng lương cho cán bộ công chức. Trong bối cảnh ngân sách dành cho chi thường xuyên mà chủ yếu là để tăng lương ý tưởng này có vẻ khó khả thi. Nhưng đề xuất tăng lương của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không phải là không có cơ sở.
Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, TP đang đề xuất tăng lương công chức, viên chức TP lên 2 lần. Hiện GPD của TP cũng cao nhất cả nước và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia; theo đó, việc trả lương này là theo nguyên tắc gắn với năng suất lao động.
Hiện nay, năng suất lao động của TP Hồ Chí Minh cao gấp 2,7 lần cả nước, năng suất lao động của cán bộ công chức cao gấp 1,5 lần cả nước và số thuế thu được cao bằng 3 lần tỉ lệ dân số thì lương bình quân gấp 2 lần là điều hợp lý. Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, quan điểm của thành phố là không xin thêm ngân sách Trung ương và điều chỉnh hệ số lương.
Liên quan đến đề xuất tăng lương cho cán bộ, công chức, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, Hà Nội đang đề nghị Trung ương cho Hà Nội xây dựng quỹ tiền lương thưởng để trả lương cho công chức theo vị trí việc làm trên cơ sở yêu cầu công việc, nguồn thu ngân sách của TP. Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, phải thực hiện như đề xuất mới cải cách được chế độ chính sách tiền lương, tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức và thu hút nhân tài vào các cơ quan thành phố mới khuyến khích được người lao động.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đề xuất tăng lương cho cán bộ công chức, kể cả việc đặt ra cơ chế đặc thù là hoàn toàn chính đáng. Chúng ta không thể hy vọng có một đội ngũ công chức liêm chính, chuyên nghiệp, tận tâm với mức lương quá thấp như hiện nay. Một công chức đi làm chục năm, cuộc sống vẫn hết sức chật vật, nếu không có thu nhập ngoài lương. Công chức không sống được bằng lương trong khi hiệu suất lao động vượt trội là điều nghịch lý. Không thể vì cơ chế bó buộc trả lương theo mặt bằng chung của cả nước để mất đi nguồn nhân lực chất lượng cao được.
Tuy nhiên, nếu chỉ giải được bài toán lương ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội mà các vùng miền khác vẫn đứng yên thì nền hành chính quốc gia vẫn không thể cải thiện. Thiết nghĩ, Chính phủ cần có sự xem xét, nghiên cứu toàn diện về đề xuất của hai TP này, từ đó đề ra các giải pháp, cơ chế cải cách chế độ tiền lương nhằm tạo ra động lực đổi mới, cải cách nền hành chính công vụ, xây dựng đội ngũ công chức liêm chính, chuyên nghiệp.