Tăng mức xử phạt vi phạm về phí, lệ phí

Lê Anh Đức 03/06/2016 09:35

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Theo đó, các thẩm định viên về giá khi mắc sai lầm thay vì bị tước thẻ hành nghề vĩnh viễn thì chỉ bị tước thẻ có thời hạn...

Tăng mức xử phạt vi phạm về phí, lệ phí

Ảnh minh họa.

Khó lọt lưới

Điều 1, Nghị định 49/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, để đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật về giá đều bị xử lý. Tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 3, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định các cá nhân, tổ chức buộc phải nộp vào quỹ bình ổn giá số tiền do sử dụng không đúng quỹ này; nộp ngân sách nhà nước số tiền có được do hành vi vi phạm.

Đồng thời phải trả lại khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra... Theo quy định này thì nhiều hành vi gian lận, vi phạm về giá chưa bị điều chỉnh. Còn tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã quy định sửa đổi để “bịt” các lỗ hổng còn tồn tại của Nghị định 109. Theo đó, thay vì chỉ có hành vi sử dụng không đúng quỹ bình ổn giá bị điều chỉnh, thì những hành vi khác cũng sẽ bị buộc phải nộp trả lại quỹ bình ổn giá.

Cụ thể: Buộc nộp vào quỹ bình ổn giá số tiền do trích lập, sử dụng, hạch toán và kết chuyển không đúng; nộp ngân sách nhà nước số tiền có được do hành vi vi phạm; trả lại khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra... Như vậy là các hành vi trích lập, hạch toán và kết chuyển không đúng đều buộc phải nộp lại số tiền vào quỹ bình ổn giá.

Tương tự, tại Khoản 2, Điều 1, Nghị định 49 cũng sửa đổi, bổ sung để có thể điều chỉnh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giá. Nếu như tại Khoản 6, Điều 5, Nghị định 109 chỉ quy định phạt 30-40 triệu đồng đối với các hành vi trích lập và sử dụng không đúng quỹ bình ổn giá, thì tại Nghị định 49 đã điều chỉnh thêm các hành vi khác là kết chuyển và hạch toán quỹ bình ổn giá không đúng theo quy định của pháp luật về giá.

Hay như tại Khoản 7, Điều 5, Nghị định 109 chỉ quy định phạt 40-60 triệu đồng đối với hành vi không trích lập quỹ bình ổn giá, thì tại Nghị định 49 đã điều chỉnh thêm hành vi không kết toán quỹ bình ổn giá. Điều 8 của Nghị định 109 cũng đã được sửa đổi tương tự để điều chỉnh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Phạt gấp đôi vi phạm về phí, lệ phí

Theo quy định tại Điều 23, Nghị định 109, cá nhân tổ chức vi phạm pháp luật về phí, lệ phí sẽ chỉ bị phạt 1-3 triệu đồng với các hành vi: Không công khai chế độ thu phí, lệ phí theo quy định; niêm yết hoặc thông báo không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho người nộp phí, lệ phí. Song, cũng vẫn là những hành vi này tại Nghị định 49 đã được điều chỉnh mức phạt lên 3-5 triệu đồng cho mỗi hành vi vi phạm pháp luật về phí, lệ phí.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì việc điều chỉnh này là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, bởi có như vậy mới đủ sức răn đe đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về phí, lệ phí.

Còn nữa, nếu như tại Điều 24, Nghị định 109 chỉ có 2 khoản mục điều chỉnh, đồng thời quy định quá cụ thể dẫn đến pháp luật bị “bỏ trống” thì ở Nghị định 49 đã kịp thời “be” lại với 3 khoản mục điều chỉnh. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 24, Nghị định 109 quy định: Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế, đồng nghĩa với việc không chấp hành thông báo của các cơ quan khác thì sẽ không thể bị phạt.

Song, ở Nghị định 49 đã sửa khiếm khuyết này: Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, không chỉ cơ quan thuế, mà cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về phí, lệ phí sẽ phải chấp hành thông báo của bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào. Nghị định 49 còn thêm khoản mục thứ 3 bắt buộc cá nhân, tổ chức vi phạm không chỉ phải nộp số tiền phạt gấp 3 lần, mà còn phải nộp cả số tiền phí, lệ phí đã gian lận.

Vẫn còn cơ hội hành nghề

Điểm đáng chú ý và được đông đảo dư luận quan tâm của Nghị định 49 trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 chính là việc bắt đầu từ 1-8-2016 (thời điểm Nghị định 49 có hiệu lực thi hành), các cơ sở đào tạo thẩm định giá, thẩm định viên về giá... được tạo thêm một cơ hội thứ 2 để tiếp tục hành nghề, chứ không còn bị “trục xuất” vĩnh viễn.

Theo quy định mới này, từ nay các thẩm định viên về giá, các cơ sở đào tạo chuyên ngành về thẩm định giá, kinh doanh dịch vụ thẩm định giá sẽ không còn phải lo nơm nớp mỗi khi hành nghề nếu có tai nạn nghề nghiệp.

Cụ thể, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3, Nghị định 109 quy định cứng, mang tính chất “cấm cửa”: Các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về giá sẽ bị tước thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá; đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử; đình chỉ in hóa đơn.

Tuy nhiên, tại Nghị định 49 đã được sửa theo hướng mở: Các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về giá sẽ bị tước có thời hạn thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử; đình chỉ in hóa đơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng mức xử phạt vi phạm về phí, lệ phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO