Tăng năng lực cho cán bộ cơ sở

Lục Bình (ghi) 23/08/2015 09:25

Trao đổi với Đại Đoàn Kết về những giải pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp xã trong thời gian tới, ông Đoàn Văn Tình (Trường Đại học Nội vụ-Bộ Nội vụ) cho biết: Phải đào tạo lại, sàng lọc những người có năng lực, trình độ, đủ đức đủ tài vì họ là những công bộc gần dân, hiểu dân nhất.

Theo ông Tình, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức(CBCC) cấp xã còn nhiều bất cập. Hiện cả nước có 145.112 cán bộ chuyên trách cấp xã. Vấn đề đáng lo ngại nhất của đội ngũ cán bộ này đó là trình độ chuyên môn còn hạn chế. Số cán bộ chưa hề qua đào tạo có tới 45.071 người (chiếm 31,06%); trình độ sơ cấp là 9.375 người (chiếm 6,46%); cao đẳng là 6.095 người (chiếm 4,20%) và đại học là 32.142 người (chiếm 22,15%).

Với đội ngũ công chức cấp xã có 111.496 người, đội ngũ cán bộ này có trình độ chuyên môn nhỉnh hơn một chút nhưng vẫn còn có tới 8.507 công chức (chiếm 7,63%) chưa hề qua đào tạo chuyên môn; công chức có trình độ sơ cấp là 2.409 người (chiếm 2,16%); trung cấp là 66.251 người (chiếm 59,42%); trình độ đại học là 27.539 người (chiếm 24,7%).

Những số liệu trên cho thấy, trình độ của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở nước ta còn thấp. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ này là việc làm cầp thiết hiện nay. Bởi với trình độ chuyên môn như vậy, rất nhiều sai phạm đã xảy ra. Việc mới đây, cán bộ tại xã Tâm Xá, Đông Anh, Hà Nội cho thuê hàng chục nghìn m2 đất trái luật và có biểu hiện dung túng cho hành vi sử dụng đất trái qui định, bao che cho hành vi xây dựng công trình trên đất nông nghiệp… khiến người dân địa phương bất bình có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm nhưng có nguyên nhân do trình độ rất kém.

Để nâng cao trình độ cán bộ cấp xã ông Tình có đề cập đến 5 giải pháp quan trọng. Thứ nhất, phải quan tâm đến chế độ chính sách đối với CBCC cấp xã. Bởi, chế độ đãi ngộ đối với những cán bộ này vẫn còn rất thấp. Việc trả lương chưa thực sự gắn với vị trí việc làm và hiệu quả công việc nên không khuyến khích cán bộ làm việc. Vì vậy, cần nhanh chóng xác định vị trí việc làm tìm đúng người giao việc, và quy trách nhiệm cụ thể mới nâng cao chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ này.

Thứ hai cần hoàn thiện công tác phân tích công việc, xác định vị trí việc làm và xây dựng khung năng lực đối với các vị trí chức danh. Với mỗi vị trí đã có các quy định tương đối cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, là cơ sở để tạo nguồn, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa đội ngũ CBCC, góp phần trực tiếp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn chức danh hiện nay đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn của các khu vực, vùng miền khác nhau trong cả nước; nặng về định tính, thiếu các tiêu chuẩn định lượng. Do đó, việc cần thiết hiện nay là phải hoàn thiện công tác phân tích công việc, xác định vị trí việc làm và xây dựng khung năng lực đối với các vị trí chức danh, coi đây là công cụ quan trọng nhất trong quản lý CBCC.

Thứ 3, hoàn thiện công tác thu hút, quy hoạch và sử dụng CBCC. Đẩy mạnh việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chính quy có chuyên môn phù hợp về công tác tại các xã, phường, thị trấn. Tổ chức thi tuyển công chức đảm bảo khách quan, công bằng và mang tính cạnh tranh cao. Chỉ đưa vào quy hoạch hoặc giới thiệu để bầu vào chức danh cán bộ những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, có điều kiện và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, không bố trí những cán bộ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, xử lý nghiêm khắc đối với những người không chấp hành chủ trương điều động, luân chuyển của cấp có thẩm quyền.

Thứ 4, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đây là khâu quan trọng, rất nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện tiêu chí này và đem lại hiệu quả thiết thực.

Cuối cùng cần hoàn thiện công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật một cách công khai minh bạch. Không chỉ riêng với CBCC cấp xã mới cần công khai minh bạch, thưởng phạt rõ ràng, mà với tất cả CBCC nói chung đều phải áp dụng phương thức này. Thông qua thưởng phạt phân minh giúp phát hiện những tiêu cực, bất cập nảy sinh từ cán bộ và công tác cán bộ. Qua đó, động viên khen thưởng những nhân tố tích cực, xử lý kịp thời những sai phạm, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng năng lực cho cán bộ cơ sở