Bộ Y tế cho biết, từ báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ về số lượng nhân viên y tế thôi việc, nghỉ việc từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2022 trên cả nước là 9.680 người. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã và đang cấp bách đưa ra một số giải pháp.
Gần 9.000 nhân viên y tế xin thôi việc thuộc tuyến cơ sở
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, trong số 9.680 nhân viên y tế thôi việc có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Trong đó, bao gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác.
Phân tích về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, Bộ Y tế chỉ ra 4 nguyên nhân chính là do áp lực công việc cao, do thu nhập thấp, do áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và nguyên nhân cuối cùng là do áp lực của xã hội, gia đình và người thân.
Bộ Y tế nhận định, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, việc thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn. Đồng thời, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trong khi các cán bộ viên chức y tế, cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả nên khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp trong khi công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng...
Bộ Y tế dẫn chứng, theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Lương thấp, áp lực cao
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS. BS Lê Văn Cường - đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thực ra, từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, các y, bác sĩ cũng đã phải chịu những áp lực vô cùng lớn trong công việc, như ít thời gian nghỉ ngơi, môi trường làm việc không an toàn… và đại dịch như giọt nước làm tràn ly đối với sức khỏe tinh thần và sức khỏe thân thể của nhân viên y tế. Nguyên nhân thứ hai là chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các nhân viên y tế về chế độ đãi ngộ như lương, thưởng, tiền trực. Thực tế, để đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống, tôi biết không ít nhân viên y tế đã phải làm thêm ngoài giờ hay bán hàng online ngoài giờ. Vì thế, các nhân viên y tế tìm tới khu vực tư với suy nghĩ sẽ được làm việc trong môi trường bớt áp lực, an toàn hơn và thu nhập cao hơn dẫn đến tình trạng đã thiếu nhân lực nay lại càng thiếu”.
Thực tế, những bàn luận xung quanh vấn đề thu nhập của các nhân viên y tế đã tồn tại trong nhiều năm qua và đặc biệt được dư luận quan tâm hơn trong thời gian gần đây. Bên cạnh những ý kiến bất bình trước thu nhập ít ỏi của cán bộ, nhân viên y tế so với những gì họ đem lại, cũng không ít ý kiến trái chiều vẫn mang quan niệm làm bác sĩ sẽ mở phòng khám, sẽ có thu nhập cao…
Khi PV đặt câu hỏi về những ý kiến trái chiều nói trên, một nữ bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Giang tâm sự: “Đúng là bác sĩ có thể mở phòng khám hay làm thêm, nhưng cần lý giải, không phải bác sĩ chuyên ngành nào cũng có thể làm được như vậy, ví dụ như bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, truyền nhiễm… thì mở phòng khám gì? Bác sĩ trẻ, điều dưỡng thì không làm thêm được gì cả, chỉ có lương và phụ cấp”.
Thông tin thêm, nữ bác sĩ này cho biết: “So với những ngành khác, điều dưỡng, bác sĩ có thêm phụ cấp ngành từ 40-70% tùy chuyên ngành. Nếu tính cả phụ cấp thì lương/tháng của một bác sĩ là viên chức mới ra trường khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, công tác 5 năm thì vào khoảng 5,2 triệu đồng/tháng, còn lương của điều dưỡng thì thấp hơn nữa. Một điều dưỡng chưa là viên chức nhận lương khoảng 3,3 triệu đồng/tháng, còn là viên chức mới ra trường thì khoảng 4 triệu đồng/tháng, còn nếu làm việc được 10 năm thì lương nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tất cả những con số ở trên đều đã tính thêm phụ cấp ngành. So với đó, hầu hết đồng nghiệp mà tôi biết khi chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập đều có thu nhập cao hơn 5-6 lần”.
Mới đây, trong cuộc gặp gỡ với các nhân viên y tế do TPHCM tổ chức, chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã không cầm được nước mắt khi nhắc tới thu nhập của nhân viên y tế hiện nay. Khi trải lòng về thu nhập của nhân viên trong ngành y tế, bà Tuyết bày tỏ, đối với mức lương bác sĩ trẻ mới ra trường chỉ được 7,8 triệu đồng/tháng. Mức lương này rất khó để sống ở TPHCM. Với mức lương này, nhân viên y tế có thể gắn bó với nghề trong vòng 1 tháng, 1 năm hoặc 5 năm nhưng 10 năm, 20 năm là điều không thể.
Nhận định về chế độ lương, thu nhập của nhân viên y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan đánh giá, cán bộ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn trong vấn đề thu nhập. Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã và đang thực hiện một số giải pháp để góp phần ổn định, phục hồi nguồn nhân lực y tế công lập, trong đó xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như đề xuất: Tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%. Cũng như chế độ phụ cấp chống dịch (phụ cấp thường trực chống dịch và phụ cấp trực tiếp chống dịch Covid-19).
PGS. TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội:
Cần thêm hành lang pháp lý
Chúng ta đều biết, dịch Covid-19 vừa qua gây ra những hậu quả rất nặng nề tới cuộc sống của người dân khiến đa phần mọi người đều “thắt lưng buộc bụng” ở thời điểm hiện tại. Theo thời gian trôi qua, cuộc sống trở lại bình thường thì người dân sẽ chi tiêu trở lại và một trong những chi tiêu cần thiết đó là chi tiêu cho y tế, sức khỏe. Do vậy, khi người dân dần trở lại bệnh viện thì các cơ sở y tế sẽ có thu nhập để đảm bảo lương thưởng cho người lao động, cuộc sống được đảm bảo thì tình trạng nghỉ việc cũng sẽ ít đi. Đương nhiên, ngoài ra cũng cần có những giải pháp để thúc đẩy nhanh hơn quá trình này, đó là các lãnh đạo bệnh viện, các trưởng khoa cần năng động vào cuộc để khắc phục tình trạng đứt gãy nguồn cung vật tư y tế, thuốc men, không để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị khiến người bệnh không được điều trị, từ đó thu hút thêm bệnh nhân tới khám chữa bệnh, tạo nguồn thu nhập. Cũng không thể không nhắc đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế trong việc đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng nói trên. Tôi cho rằng, cần có những hành lang pháp lý, những chính sách phù hợp để các bệnh viện được thực hiện tự chủ hoàn toàn. Cần có cơ chế về giá dịch vụ khám, chữa bệnh rõ ràng để các bệnh viện công thực hiện, cơ chế về đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế về mặt con người.
Bác sĩ Trần Trung Kiên - Giám đốc Sở Y tế Nam Định:
Để bác sĩ có thể yên tâm công tác
Trao đổi với các y, bác sĩ, tôi nhận được khá nhiều nguyên nhân, lý do của việc các nhân viên y tế nghỉ việc tại khu vực công. Có người chia sẻ rằng do áp lực công việc quá vất vả, cũng có người nói rằng họ cần chuyển công việc khác để đảm bảo đời sống, thu nhập, cũng có những người nói với tôi bản thân họ nghỉ việc là do vấn đề gia đình.
Về mặt giải pháp, tôi cho rằng điều đầu tiên cần làm là động viên anh em cố gắng công tác trong thời điểm khó khăn như hiện nay, đồng thời tập trung giải quyết cho nhân viên y tế về mặt chính sách, chế độ để các y, bác sĩ có thể yên tâm làm việc, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối với tỉnh Nam Định, chúng tôi cũng có những chính sách lương, thưởng và ưu tiên cho những y, bác sĩ tham gia chống dịch, HĐND tỉnh đã thông qua. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh cũng đang cố gắng xây dựng kế hoạch tuyển dụng kèm theo những ưu đãi để thu hút các y, bác sĩ chuyên ngành về địa phương làm việc nhằm mục đích nhanh chóng ổn định tình hình.
Nghĩa Toàn (ghi)