Giáo dục

Tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non: Thêm giải pháp thu hút nhà giáo

Hàn Minh 27/05/2025 11:30

Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác trong các cơ sở giáo dục công lập đang đề xuất tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non. Cụ thể, mức phụ cấp tại vùng thuận lợi sẽ tăng từ 35% lên 45%, còn tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ tăng lên 80%.

bai chinh
Cô và trò Trường mầm non Tuổi hoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Tăng phụ cấp, kỳ vọng giữ chân giáo viên

Dự thảo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lấy ý kiến có một nội dung liên quan đến việc tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là những người công tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Theo đó, nếu đề xuất này được phê duyệt, mức lương của giáo viên mầm non sẽ có sự cải thiện đáng kể so với thời điểm hiện nay. Chẳng hạn, với giáo viên mầm non mới vào nghề có hệ số lương khởi điểm 2.1, nếu được hưởng phụ cấp 45%, tổng thu nhập sẽ vào khoảng 7,1 triệu đồng/tháng, cao hơn mức cũ khoảng 500 nghìn đồng và càng có thâm niên lâu, mức lương và phụ cấp càng tăng rõ rệt. Đặc biệt, những giáo viên công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn dự kiến được hưởng phụ cấp 80%, mức lương có thể chạm mốc 21 triệu đồng/tháng - một con số nhiều giáo viên mầm non thừa nhận không dám mơ ước.

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường - giáo viên Trường mầm non xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chia sẻ, giáo viên mầm non vất vả, làm việc 10 - 11 giờ/ngày nhưng mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng là chưa tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở tăng nên lương giáo viên mầm non cũng được tăng lên đáng kể, thầy cô rất phấn khởi. Tuy nhiên, về vấn đề tăng phụ cấp đã nhiều năm qua được giáo viên, cử tri kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Nhìn lại đối với giáo viên miền núi, khoảng cách từ điểm trường đến trung tâm rất xa, đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhưng giáo viên điểm trường trước đây không có chế độ phụ cấp, điều đó rất bất cập, cần sớm được điều chỉnh.

Lý giải về đề xuất lần này, Bộ GDĐT cho biết tổng thu nhập của giáo viên mầm non chưa tương xứng với đặc thù và mức độ phức tạp của hoạt động nghề nghiệp. Giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ, thường làm việc 9 - 10 giờ/ngày… Tuy nhiên, thu nhập khởi điểm của giáo viên mầm non thấp nhất so với các cấp học khác: hệ số lương khởi điểm 2,1; phụ cấp 35%; tổng thu nhập khoảng 6,63 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến tỷ lệ giáo viên nghỉ việc cao. Tính từ tháng 8/2023 - 4/2024, khoảng 1.600 giáo viên mầm non bỏ việc, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Không chỉ đề xuất tăng phụ cấp, giáo viên mầm non cũng là một trong đối tượng được đề cập tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi. Hiện dự thảo này đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến Quốc hội sẽ xem xét trong kỳ họp sắp tới. Trong đó, có chính sách thu hút đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập (tối thiểu 1 năm tiền lương cơ bản) và chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo (960.000 đồng/tháng, hưởng không quá 9 tháng/năm học, mỗi đơn vị 2 người).

Như vậy, mong muốn thu hút và giữ chân giáo viên mầm non bằng chính sách lương, thưởng, phụ cấp đang được đề xuất trước thực trạng nhiều giáo viên mầm non không thể bám trụ với nghề do tiền lương không đủ hấp dẫn trong khi áp lực công việc mỗi ngày một cao, sự thiếu hụt nhân lực lĩnh vực này ngày càng trầm trọng. Không chỉ từ trung ương, mỗi địa phương cũng đang nỗ lực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non.

Theo Sở GDĐT tỉnh Tây Ninh, tính đến tháng 1/2025, cấp mầm non của tỉnh này đang thiếu 368 giáo viên. Để thu hút và giữ chân giáo viên mầm non, từ 1/1/2025, tỉnh triển khai chính sách thu hút và hỗ trợ đối với giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2025 - 2030. Cụ thể, giáo viên được tuyển dụng từ năm 2025 vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã biên giới được hỗ trợ 50 triệu đồng/người; thuộc các xã còn lại được hỗ trợ 40 triệu đồng/giáo viên và làm việc tại các phường, thị trấn 30 triệu đồng/giáo viên. Ngoài ra, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cũng được hỗ trợ từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng tùy khu vực.

Sở GDĐT TPHCM cũng giao Phòng GDĐT TP Thủ Đức và các quận huyện nghiên cứu các chính sách thu hút giáo viên mầm non và triển khai đúng đối tượng. Tới đây, khi thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông các trường công lập, dự kiến sẽ thu hút thêm một lượng học sinh từ các trường mầm non tư thục, các nhóm lớp trẻ độc lập… nên các giải pháp thu hút và giữ chân giáo viên mầm non càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non: Thêm giải pháp thu hút nhà giáo