Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc chấp hành pháp luật tài chính và thuế sau khi các doanh nghiệp “vớ bẫm” 3500 tỷ đồng từ việc được áp dụng các mức thuế nhập khẩu khác nhau, khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Đồng thời cơ quan này cũng cho biết, đang chỉ đạo rà soát để xử lý cán bộ trong việc để xảy ra lỗ hổng chính sách.
Ảnh minh họa.
Thanh tra doanh nghiệp đầu mối
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 31/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát để thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Kết quả cụ thể ra sao phải chờ kết luận thanh tra.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết thêm, việc thanh tra, kiểm tra là việc làm thường xuyên trong năm vì đây là mặt hàng năng lượng hết sức quan trọng, là đầu vào của sản xuất kinh doanh tác động tới tiêu dùng của người dân.
“Cho nên để minh bạch và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hàng năm Bộ Tài chính vẫn có chỉ đạo thanh tra. Đồng thời, do có việc chênh lệch thuế nên việc xem xét kiểm tra càng cần thiết. Nội dung sẽ tiến hành việc chấp hành pháp luật tài chính và thuế, trên cơ sở đó có xử lý cho phù hợp”.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thu ngân sách tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 3 ước đạt 70,4 ngàn tỉ đồng; luỹ kế thu quý I đạt 230,5 ngàn tỉ đồng, bằng 22,7% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể: Về thu từ dầu thô: Thực hiện tháng 3 ước đạt 2,8 ngàn tỉ đồng, luỹ kế thu quý I ước đạt 8,9 ngàn tỉ đồng, bằng 16,4% dự toán, bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước đạt 92 ngàn tỉ đồng; luỹ kế chi quý I ước đạt 277,59 ngàn tỉ đồng, bằng 21,8% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2015. Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước tháng 3 ước 21,6 ngàn tỉ đồng; lũy kế 3 tháng ước 47,08 ngàn tỉ đồng, bằng 18,5% dự toán năm. |
Về trách nhiệm để xảy ra lỗ hổng về thuế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, biến động phát sinh trong thực tiễn luôn đi trước và chính sách phải làm sao cho kịp để điều chỉnh các hành vi trong thực tiễn. Rõ ràng quy trình xây dựng chính sách phải đảm bảo quy định pháp luật nên có thể có những việc có thể dự báo có thể phát hiện nhưng có những việc đã phát hiện cần phải có thời gian để điều chỉnh.
Còn việc có xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra lỗ hổng về thuế nhập khẩu xăng dầu hay không cần phải theo quy định liên quan tới xử lý cán bộ và Bộ Tài chính đang thanh tra, kiểm tra và rà soát.
Liên quan tới vụ thuế chênh lệch 3.500 tỷ đồng, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, khó có thể thu hồi đủ toàn bộ số tiền từ việc áp sai thuế xăng dầu và Bộ Tài chính nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, tổng thu thuế nhập khẩu xăng dầu của 23 doanh nghiệp xăng dầu tính đến 24/3 là 3.475 tỷ đồng, bao gồm cả năm 2015 và đầu năm 2016. Số tiền chênh lệch do “lỗ hổng” này nằm ở 23 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Vì vậy, số tiền thực tế mà các doanh nghiệp hưởng lợi thấp hơn nhiều.
Chưa tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng
Liên quan tới đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Đối với thuế bảo vệ môi trường, hiện Bộ chưa có kế hoạch trình Chính phủ điều chỉnh. Do đó, những vấn đề về việc điều chỉnh tăng thế nào và tăng ra sao Bộ Tài chính khẳng định chưa có chủ trương.
Tại báo cáo của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 và tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, một nội dung được nêu ra, Bộ Tài chính nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu.
Phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng đã được tính đến và giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là một giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016.
Tái khẳng định về thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh: Trong báo cáo tài chính trung hạn có nêu các giải pháp kế hoạch về ngân sách, trong đó có giải pháp về thuế . Tuy nhiên Bộ Tài chính sẽ có tổng kết đánh giá về các luật, nghị quyết về các sắc thuế từ đó đề xuất chính sách thu theo hướng có động viên, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
TP Hồ Chí Minh: Giá gas đồng loạt tăng 9.500 đồng/bình 12kg
Chiều ngày 31/3, một số hãng kinh doanh gas tại TP Hồ Chí Minh thông báo sẽ tăng giá bán 791,67 đồng/kg (bao gồm VAT) từ sáng ngày 1/4. Với mức tăng này, giá bán lẻ các bình gas 12kg của Thủ Đức gas, Saigon Petro gas sẽ tăng giá 9.500 đồng/bình.
Theo đó, giá bán lẻ tối đa các bình gas đến tay người tiêu dùng tại khu vực TP Hồ Chí Minh tăng lên mức 268.000 - 275.000 đồng/bình 12kg. Nguyên nhân của đợt điều chỉnh giá này do giá gas nhập khẩu thế giới áp dụng cho tháng 4/2016 tăng lên mức 335 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với tháng 3/2016.
Q.Đ.