Đây là một trong các giải pháp trọng tâm phát triển ngành nông nghiệp năm 2024 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh An Giang thông tin tại “Hội nghị triển khai giải pháp phát triển ngành nông nghiệp An Giang năm 2024”, tổ chức ngày 5/3.
Năm 2024, ngành nông nghiệp An Giang đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt 3,5 – 3,8%. Theo đó, tăng trưởng nông nghiệp tập trung vào tăng sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển các loài cá khác, tiếp tục tăng sản lượng cá tra và cây ăn trái tăng sản lượng nhiều hơn do giá bán tốt hơn, nông dân tập trung xử lý cho ra trái nhiều hơn, năng suất cao hơn.
An Giang sẽ tăng thêm diện tích trồng lúa chất lượng cao và nếp 15.000ha; tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn trên xoài theo hướng GAP; đẩy mạnh giám sát và cấp mã số vùng trồng trên lúa, rau màu và cây ăn trái; tập trung bảo vệ năng suất cây trồng như lúa, rau màu và cây ăn trái để đảm bảo năng suất và sản lượng.
Tỉnh cũng khuyến khích nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung mời gọi DN ký hợp đồng tiêu thụ cho hộ chăn nuôi thông qua tổ hợp tác chăn nuôi; mời gọi DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi…
Ông Tôn Thất Thịnh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục triển khai cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói giúp cho nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng đạt tiêu chuẩn chất lượng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xuất khẩu, phục vụ cho kế hoạch liên kết tiêu thụ…
“Tỉnh cũng tích cực tham gia vào đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu hỗ trợ nông dân đạt lợi nhuận bình quân trên 35%, tăng diện tích sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, đồng thời nâng cao vai trò của hợp tác xã trong liên kết tiêu thụ” - ông Thịnh cho biết thêm.
Theo ông Thịnh, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh An Giang đẩy mạnh áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” để nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân. Tỉnh có kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái tổng diện tích trên 7.460ha; trong đó, nhóm rau dưa trên 1.465ha, nhóm cây màu trên 2.933ha và nhóm cây ăn trái 3.064ha.
Năm 2024, An Giang tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của hợp tác xã kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,34%, đây là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây của An Giang. Từ đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò vừa là nền tảng, vừa là trụ đỡ quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; chuyển đổi từ tư duy tăng trưởng theo sản lượng sang tư duy về tăng giá trị, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang”; phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực...
Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 4.092 nghìn héc-ta, trong đó 2.575 nghìn héc-ta đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 -25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.