Tăng sức chống chịu cho doanh nghiệp

H.Hương 21/11/2022 08:00

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ..., tại các địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng xuất khẩu giảm.

Số lượng đơn hàng giảm khiến doanh nghiệp gặp khó.

Chia sẻ thông tin với báo chí, Công ty TNHH Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu ở huyện Củ Chi, TPHCM) cũng cho biết dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do thiếu đơn hàng. Đại diện Công ty TNHH Việt Nam Samho cho biết, hiện DN đang gia công giày xuất khẩu cho hai nhãn hàng giày thể thao lớn. Nhưng đầu tháng 10, có một nhãn hàng không tiếp tục ký hợp đồng nữa, nên có khoảng gần 3.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng việc làm. Một số lao động được sắp xếp sang các xưởng khác, phần còn lại phải ngồi chờ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu tháng 10/2022 đạt 14,1 tỷ USD, giảm 10% so với nửa cuối tháng 9/2022. Kết quả này cho thấy sự giảm tốc của xuất khẩu vào thời điểm cuối năm khi áp lực lạm phát ngày càng lớn ở hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam khiến nhiều DN buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Chưa kể nền kinh tế thế giới biến động trong lạm phát, nhu cầu tiêu dùng bị sụt giảm. Cú bồi này đã khiến cho DN lao đao.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, gây nên các nguy cơ, thách thức mới cho quá trình phục hồi và phát triển của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng các DN cần phải chuẩn bị kế hoạch để ứng phó với những yếu tố rủi ro, bất định, các cuộc khủng hoảng để phát triển một cách bền vững, tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) các DN sẽ phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ, trong đó có việc xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây.

Bên cạnh đó, các DN sẽ phải kiểm soát tốt hơn sự gia tăng (tiềm ẩn) về chi phí của chuỗi cung ứng bằng việc lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi. Đồng thời, tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.

Để khắc phục phần nào các khó khăn cho các DN xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, mới đây Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để DN có các kế hoạch thích ứng phù hợp.

Đặc biệt, cần khẩn trương tiến hành các cuộc hội nghị, hội thảo nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ DN nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng; hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp DN ứng phó với khủng hoảng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng sức chống chịu cho doanh nghiệp