Kể từ năm 2013, một số hộ gia đình ở ấp 1 (xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã bắt đầu nuôi ếch kinh doanh. Bà con xây dựng những hầm (vèo) nuôi ếch ngay trong ao. Sau mỗi đợt nuôi 2 tháng đã có thể bán được (cỡ 4 con/kg) với giá trung bình 30.000 đ/kg.
Trung bình 1 năm bà con có thể bán được 5 lứa ếch. Người nuôi ít thì mỗi năm cũng được ngót 100 triệu đồng. Muốn nuôi ếch thành công, trước tiên phải chọn giống ếch tốt, khỏe có nguồn gốc tốt, giá cả thích hợp, đặc biệt là phải đồng cỡ, không nhiễm mầm bệnh… Còn giờ cho ăn, thường thì mỗi ngày cho ăn 3 lần, vào lúc 7 giờ, 16 giờ, và 21 giờ. Riêng với “bữa ăn tối” cần cho chúng ăn nhiều hơn. Khi cho ếch ăn, thức ăn cần rải đều.
Người nuôi ếch cũng cho biết, để tránh nước xấu, ô nhiễm làm ếch mắc bệnh, thì cần thay nước thường xuyên; vệ sinh khu vực nuôi, nhất là hầm ếch bằng cách định kỳ từ 7 đến 10 ngày nên phun xịt muối, kháng sinh Amoxilin, Vimenro… Mùa nắng nên làm lưới che mát khu vực nuôi bằng lưới, nên phun nước làm mát ếch trong những lúc trời trưa nắng, mùa mưa thì không cần che mát cho ếch nuôi.
Trên thực tế, nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn gia tăng. Vì vậy, nuôi ếch là cách sản xuất chăn nuôi tốt, đem đến nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, bà con cũng cần nắm được kĩ thuật nuôi, để tránh bị thiệt hại cũng như có được nhiều lợi ích hơn.
Theo các chuyên gia nông học, rất cần chú ý những điiểm sau khi nuôi ếch:
- Về con giống: Hiện nay bà con nông dân ở nhiều địa phương nuôi chủ yếu là giống ếch đồng (ếch nội), giống ếch này, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khoẻ, ít bị bệnh hại, dễ nuôi, được thị trường trong nước và nước ngoài chấp nhận. Tuy nhiên, thời gian nuôi khá dài (khoảng 5 tháng) và trọng lượng của loại ếch này cũng không cao.
-Chuẩn bị chỗ nuôi: Điều kiện nuôi ếch đẻ là vườn (hoặc ao) có diện tích từ 50m2 trở lên; có nguồn nước sạch, chủ động cấp, thoát; xây tường gạch cao 1,5-1,7m bao kín xung quanh, chống ếch nhảy ra ngoài; làm hang nhân tạo cho ếch trú ẩn; trồng nhiều cây xanh xung quanh nơi nuôi ếch để tạo bóng mát cho ếch trú nắng. Nếu nuôi ếch bằng ao thì thả bèo tây hoặc trồng rau muống 2/3 diện tích mặt nước. Trong vườn thắp nhiều ánh sáng vào buổi tối và trồng nhiều cây hoa (hấp dẫn côn trùng ban ngày, côn trùng hướng quang bay đến ban tối làm thức ăn bổ xung cho ếch).
-Phân biệt giới tính: Ếch đực có hai chấm đen ở hàm dưới, hai bên hầu. Bàn chân trước nháp hơn, ngón chân trước có mấu thịt hoá sừng. Da màu xám, không nhẵn bóng như con cái, ếch đực thường nhỏ hơn ếch cái nếu cùng độ tuổi, cùng chế độ nuôi dưỡng.
-Mật độ thả: Ếch con, loại có trọng lượng 5-10g/con: 40-60 con/m2. Sau mỗi tháng tuổi, ếch tăng trọng nhanh, diện tích nuôi cần dãn ra, tăng dần. Khi thu hoạch, diện tích lớn gấp 3-4 lần diện tích lúc thả ban đầu.
-Thức ăn cho ếch: Ếch sử dụng một số loài thức ăn tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: Giun, tép, ốc tôm, cá con, cua, châu chấu, cào cào…., ếch còn ăn các loại cám gạo, bột ngô, bột ngũ cốc trộn với cá, tôm, tép, lươn, chạch…
- Số lần cho ăn: Ếch (3 đến 100 g): Cho ăn 3 - 4 lần/ngày. Chiều tối và ban đêm cho ăn nhiều hơn. Ếch trên 100g: Cho ăn còn 2 - 3 lần/ngày. Ếch ăn mạnh vào chiều tối và ban đêm hơn ban ngày (lượng thức ăn vào chiều tối và ban đêm gấp 2 - 3 lượng thức ăn ban ngày). Lưu ý: Buổi tối, thắp đèn sáng 18-21 giờ, để thu hút côn trùng hướng quang bay tới làm thức ăn bổ sung cho ếch.
Trước khi thu hoạch, cần vỗ béo cho ếch trong 30 ngày. Phải loại bỏ những con bị chết ra khỏi khu vực nuôi. Bệnh thường gặp nhất ở ếch nuôi là bệnh về đường tiêu hóa, khiến bụng ếch trương phồng. Nguyên nhân chủ yếu là do ếch ăn quá nhiều, không tiêu hóa được hoặc ăn phải thức ăn ôi thiu. Khi phát hiện, cần liên hệ với nhân viên thú y để được hướng dẫn chữa trị thích hợp.