Kinh tế

Tăng thuế thu nhập đặc biệt đối với thuốc lá

HÀ AN 05/01/2024 06:47

Kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực (năm 2013) đến năm 2023, Việt Nam đã 2 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới cũng như các chuyên gia của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thì các mức tăng thuế này là quá thấp, chưa đủ sức để hạn chế việc sử dụng thuốc lá như kỳ vọng.

anhbaitren.jpg
Người dân vẫn vô tư hút và xả khói thuốc nơi công cộng. Ảnh: Hà An.

Giá rẻ, dễ mua dễ tiếp cận

Cụ thể, năm 2012, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy định áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (năm 2014) quy định, mặt hàng thuốc lá chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%; tăng lên 70% từ ngày 1/1/2016 và 75% từ ngày 1/1/2019 (tính trên giá xuất xưởng).

Theo các chuyên gia, vì mức thuế áp dụng đối với thuốc lá còn rất thấp, nên giá thuốc lá cũng thấp. Mức tăng thuế thuốc lá không đáng kể, khoảng cách giữa các lần tăng thuế khá dài, nên không đủ tạo ra tác động để giảm tiêu dùng. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hằng năm, nên giá thuốc lá ngày càng rẻ hơn so với thu nhập của người dân và trở nên dễ tiếp cận hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Việt Nam không đạt mục tiêu giảm tiêu dùng và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới đã được đề ra trong Chiến lược Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 là 39%.

Ông Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, thuốc lá là một mặt hàng phổ biến và không khó để bắt gặp người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam do giá thuốc lá quá thấp so với thu nhập. Dẫn chứng từ số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ông Long cho biết, mức chi tiêu hằng năm cho thuốc lá ở Việt Nam vào khoảng 31.000 tỷ đồng. Số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam là hơn 30.000 người vào năm 2002 và con số này được chuyên gia quốc tế dự báo sẽ lên đến 70.000 người vào năm 2030, nếu như Chính phủ không đưa ra các biện pháp cứng rắn để giảm tiêu thụ thuốc lá.

Một điểm đáng chú ý được báo cáo nghiên cứu đưa ra là mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá chung ở Việt Nam đã xuống dưới mức trung bình của thế giới và khu vực, song tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử lại có chiều hướng tăng lên với mức tăng từ 0,2% lên 3,6%, tập trung ở nhóm tuổi 15-24.

Đánh thuế - công cụ hữu hiệu

Đánh thuế được coi là công cụ hiệu quả nhất trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc, bởi trong số các biện pháp mà chính phủ tác động vào giá thành sản phẩm để điều tiết tiêu dùng, thì đánh thuế là biện pháp nhanh và dễ thực hiện nhất.

Theo ThS. Đào Thế Sơn - Cố vấn về thuế và kinh tế thuốc lá của Vital Strategies, hiện nay tỷ lệ đóng góp của chính sách thuế của Việt Nam cho hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá còn rất thấp. Các mức tăng thuế cũng không đủ lớn, tỷ lệ tính trên giá xuất xưởng dễ gây chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu phân phối. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều nước áp dụng thuế hỗn hợp. Số liệu toàn cầu cho thấy, các quốc gia áp dụng cơ sở tính thuế này có giá bán lẻ trung bình cao hơn, từ đó có tác động giảm tiêu dùng tốt hơn.

Để đạt mục tiêu quốc gia trong Chương trình sức khoẻ Việt Nam với tỷ lệ hút thuốc nam giới trưởng thành giảm từ 42,3% hiện tại xuống 37% vào năm 2025, 32,5% vào năm 2030, ông Sơn cho rằng, có thể lựa chọn các giải pháp sau: bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, bổ sung mức thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao vào năm 2023 và cứ mỗi 2 năm lại tăng thêm 5.000 đồng. Hoặc áp dụng thuế tỷ lệ trên giá bán lẻ ở mức tương đương. Hoặc vừa tăng thuế tỷ lệ, vừa bổ sung thuế tuyệt đối ở mức tương đương. Bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, bổ sung lộ trình thuế tuyệt đối ở mức 2.500 đồng/bao từ 2023 và cứ mỗi 2 năm lại tăng thêm 2.500 đồng/bao. Với lựa chọn này, cần bổ sung các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá khác như tăng cường quản lý hệ thống bán lẻ, áp dụng bao tiêu chuẩn…

Còn theo nhóm nghiên cứu VESS, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên là bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo và các nhóm yếu thế. Như vậy, có thể làm giảm chi tiêu cho thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá với mức thuế đủ cao, dùng giá bán thuốc lá để làm căn cứ tính thuế thay vì giá xuất xưởng, có lộ trình tăng thuế thuốc lá nhanh, đẩy mạnh việc làm cho gánh nặng thuế thuốc lá tại Việt Nam tiệm cận với mức trung bình của thế giới (56%) và mức do WHO khuyến nghị (70%). Bên cạnh đó, cần có biện pháp nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là những người có thu nhập thấp về các tác hại của tiêu dùng thuốc lá tới việc giảm phúc lợi hộ gia đình...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng thuế thu nhập đặc biệt đối với thuốc lá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO