Tăng tính hiệu quả của cao tốc

ĐOÀN XÁ 30/10/2023 08:45

Thời gian qua, hàng loạt tuyến đường bộ cao tốc ở khu vực phía Nam được hoàn thành đã mang tới rất nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, việc vận hành khai thác cũng phát sinh nhiều yếu tố, đặc biệt là nhu cầu mở thêm đường dẫn nối vào cao tốc nhằm tăng kết nối, hiệu quả khai thác, đảm bảo việc thuận tiện đi lại cho người dân.

Ảnh minh họa.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM mới đây có kiến nghị UBND TPHCM về đề xuất với Bộ GTVT việc điều chỉnh đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang xây dựng) nhằm bổ sung thêm một nút giao thông nối với huyện đảo Cần Giờ. Đây là kiến nghị rất cần thiết, đáp ứng nhiều mục đích không chỉ giao thông ở khu vực Đông Nam của TPHCM cũng như các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối với huyện Cần Giờ. Cao tốc Bến Lức-Long Thành dài khoảng 55km, đi qua 3 địa phương là Long An, TPHCM và Đồng Nai được khởi công năm 2014 nhưng hiện chưa hoàn thành. Đây là tuyến cao tốc trục ngang (không thuộc trục chính cao tốc Bắc - Nam) nhằm kết nối các tỉnh miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, giúp các phương tiện không phải di chuyển qua trung tâm TPHCM khi đi giữa các tỉnh, thành khác. Theo quy hoạch ban đầu, tuyến cao tốc này chỉ có 2 nút giao tại TPHCM, gồm nút quốc lộ 1A và quốc lộ 50. Tuy nhiên, TPHCM và Bộ GTVT đã họp bàn, thống nhất chủ trương mở thêm một số nút khác tại huyện Nhà Bè (đường Nguyễn Hữu Thọ) và đặc biệt là huyện Cần Giờ (nút giao đường Rừng Sác).

Hiện nay, dù đang nhận được nhiều sự quan tâm nhưng Cần Giờ vẫn là đảo, chưa có đường bộ kết nối khiến giao thông đi lại vô cùng bất tiện. Để tới Cần Giờ, người dân buộc phải chọn các phương tiện đường thủy như phà sông, phà biển, đò, tàu cao tốc… với nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc xây dựng cầu Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ) vẫn chỉ là phương án đang nghiên cứu. Ngay cả khi dự án đúng tiến độ thì tới năm 2025 cầu này mới được khởi công và sẽ chỉ hoàn thành vào khoảng năm 2030. Chính vì vậy, nhu cầu cấp bách có một tuyến đường bộ kết nối huyện Cần Giờ và TPHCM (hoặc các tỉnh khác) là rất cần thiết.

Xin nói thêm rằng, khi bắt đầu lên kế hoạch xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (khoảng năm 2012-2014), nhiều ý kiến lo ngại việc mở nút từ đường cao tốc xuống huyện Cần Giờ sẽ phá vỡ hệ sinh thái khu vực này. Tuy nhiên, hiện lo ngại này không còn đáng kể vì công nghệ xây dựng tốt hơn, nơi đây được quy hoạch cho nhiều tuyến xe điện hoạt động…

Không chỉ có tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành được đề xuất mở thêm lối lên/xuống, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương (thuộc trục Bắc - Nam) cũng mới được tỉnh Long An đề xuất mở thêm lối vào. Cụ thể, hồi cuối tháng 9 vừa qua, tỉnh Long An có kiến nghị thay đổi hạ tầng một số khu vực đường cao tốc trên địa bàn tỉnh. Ngoài mục đích chính là kiến nghị mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đi qua địa bàn tỉnh Long An, địa phương này còn kiến nghị mở thêm đường địa phương kết nối với trạm dừng chân của cao tốc TPHCM - Trung Lương tại huyện Thủ Thừa. Vài năm gần đây, mật độ phương tiện tại tuyến cao tốc này và trạm dừng chân tăng lên rất nhiều khiến cho việc mở thêm lối tại khu vực này là cần thiết và cũng cấp bách. Bên cạnh đó, Long An cũng kiến nghị mở rộng quy mô nút nối vào cao tốc TPHCM - Trung Lương ở nút giao đường Vành đai 3 TPHCM, nút giao TP Tân An. Có thể nói, sau gần 20 năm khai thác, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã phát sinh một số bất cập nên việc mở rộng, mở thêm các nút khi trục cao tốc được kéo dài ra là nhu cầu cần thiết, cấp bách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tính hiệu quả của cao tốc