Thời điểm cuối năm, hàng loạt dự án xây dựng các tuyến cao tốc phía Nam đang tăng tốc triển khai. Dự kiến năm 2023, hạ tầng đường cao tốc phía Nam sẽ có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Trong ít tháng tới, khoảng 200km đường cao tốc sẽ được hoàn thành.
Đầu tiên là dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết (99km) đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai nằm trên trục cao tốc Bắc Nam. Dự án có tổng nguồn vốn 12.500 tỷ đồng đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng và dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm 2022. Với quy mô 6 làn xe cùng vận tốc cho phép 120km, dự án có điểm đầu nối với cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây này nhận được nhiều kỳ vọng, rút ngắn khoảng cách và thời gian từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Trung. Tương tự là tuyến cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo (101km) nối với tuyến cao tốc trên. Cũng có quy mô và mốc thời gian thông xe kỹ thuật cuối năm 2022, tuyến cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo cũng giúp hoàn thiện hệ thống cao tốc phía Nam và rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh, thành phố phía Nam.
Với các dự án cao tốc đã khai thác (chiều dài từ 55-65km/tuyến) trước đây, phải mất khoảng 5 năm để hoàn thành, thậm chí nhiều dự án cao tốc đã chậm tiến độ kéo dài. Tuy nhiên, cả 2 dự án trên chỉ mất thời gian khoảng 3 năm để hoàn thành. Được khởi công từ năm 2020, hai dự án trên dù trải qua thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các đơn vị thi công vẫn quyết tâm để đúng tiến độ. Hiện nay, tiến độ của hai dự án quan trọng này đều cơ bản đạt yêu cầu và đúng theo kế hoạch. Đây không những là tín hiệu tích cực mà còn giúp thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông khác trong khu vực.
Cũng khởi công năm 2020 và sẽ hoàn thành trong năm 2023 tới là dự án xây cầu Mỹ Thuận 2 nối vào trục cao tốc TP HCM-Trung Lương-Mỹ Thuận đang khai thác. Với quy mô dài gần 7km, phần cầu chính dài 1,9km dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long là một trong những dự án lớn thuộc trục cao tốc Bắc Nam. Trong khi nhiều dự án tầng khác thường chậm tiến độ thì các dự án thành phần thuộc trục cao tốc Bắc Nam hiện nay đều có tiến độ xây dựng nhanh, thời gian hoàn thành rút ngắn rất nhiều. Cùng với đoạn cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ đang xây dựng, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ giúp hoàn thiện trục cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ, 2 trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất phía Nam.
Tiến độ triển khai các dự án đường cao tốc ở khu vực phía Nam hiện nay cũng nhanh hơn ở khâu chuẩn bị, lên kế hoạch. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, trong năm 2023 sẽ có thêm một số dự án cao tốc ở khu vực phía Nam được khởi công. Đầu tiên là dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu với quy mô từ 4-6 làn xe, tổng nguồn vốn gần 18.000 tỷ đồng. Dự án có chiều dài khoảng 54km này sẽ khởi công ngay đầu năm 2023. Với vai trò kết nối các đô thị lớn và sân bay Long Thành, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu được triển khai nhanh chóng, chỉ khoảng gần nửa năm từ khi có chủ trương đầu tư. Với thời gian hoàn thành khoảng 3 năm, đây sẽ là dự án “chia lửa” cho các tuyến đường cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây và quốc lộ 51 hiện đang quá tải.
Có thể nói, hệ thống đường bộ cao tốc ở khu vực phía Nam sẽ có đột phá đáng kể trong ít tháng tới với nhiều dự án được hoàn thành. Cùng với cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây, TP HCM-Trung Lương-Mỹ Thuận và Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, ngay đầu năm 2023 khu vực phía Nam sẽ có khoảng gần 450km cây số đường cao tốc. Đây là bước chuyển mình lớn trong hệ thống hạ tầng, không chỉ giúp giao thông đi lại thuận tiện mà còn kích thích sự phát triển kinh tế, du lịch và kết nối hàng chục tỉnh thành phía Nam với nhau.