Những ngày này, TPHCM đang gấp rút chuẩn bị tốt nhất cho các nội dung công việc phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, tại trục đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) - nơi sẽ diễn ra Lễ diễu hành, diễu binh, công tác thi công, thực hiện các hạng mục lễ đài đang được triển khai khẩn trương, đúng tiến độ và đảm bảo an toàn. Theo kỹ sư Trần Văn Phương – Giám đốc Công ty dịch vụ về phòng cháy chữa cháy tại TP Thủ Đức (TPHCM), người từng tham gia công tác chuẩn bị các sự kiện và ngày lễ lớn cho biết: Có thể thấy các công tác đang được thi công khẩn trương, nhất là các hạng mục sân khấu, khán đài và khu vực tổ chức diễu hành, diễu binh. Hàng ngày, công nhân, kỹ sư thi công khẩn trương, nghiêm túc và bài bản khu vực chính tổ chức đại lễ. Riêng về công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, hiện thành phố cũng đang khẩn trương thi công theo thiết kế các khán đài với tổng số lượng 5.260 ghế dành cho đại biểu và sử dụng công nghệ LED, bố trí hệ thống màn hình theo hình thức sắp đặt, kết hợp công nghệ thực tế ảo, video art, 3D, minh họa hình ảnh tư liệu, đồ họa trình chiếu... Tất cả đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ đối với TPHCM mà còn là cống hiến một phần tâm sức cho một sự kiện trọng đại mang tầm quốc gia.
Về phía Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cũng đang tập trung cao nhất, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, sở, ngành và địa phương trong tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và chuỗi sự kiện. Theo ông Võ Hồ Hoàng Vũ - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, người dân các tỉnh, thành về dự đại lễ kỷ niệm tại thành phố có thể theo dõi diễu binh, diễu hành ở 4 hướng được bố trí xung quanh trục đường Lê Duẩn. Bên cạnh đó, thành phố còn chuẩn bị 20 màn hình LED để người dân thành phố và du khách thập phương thuận tiện theo dõi các hoạt động của chương trình đại lễ. Tuy nhiên, người dân và du khách khi đến trung tâm thành phố tham gia xem trực tiếp các sự kiện, cần tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng; tránh chen lấn, xô đẩy tạo điều kiện cho các đối tượng móc túi hoạt động, gây mất an ninh trật tự.
Cũng theo ông Vũ, ngoài chương trình đại lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cũng phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, diễn ra từ ngày 20/3 đến hết ngày 30/4, cùng lúc tại nhiều điểm trên địa bàn để phục vụ người dân, du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thành phố đã công bố và phát động cuộc vận động sáng tác chủ đề “TPHCM - 50 năm tự hào bản anh hùng ca” và thực hiện các công trình văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Dịp này, thành phố công chiếu bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”; Album nhạc “TPHCM - Thành phố tôi yêu”; công diễn vở múa “Đất lành” và giới thiệu sách “50 năm - Thơ nhạc cất cánh cùng thành phố”... Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện 50 tác phẩm tiêu biểu lĩnh vực văn học, nghệ thuật; 50 công trình xây dựng tiêu biểu; 50 cá nhân tiêu biểu; 50 doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực; 50 sự kiện - hoạt động nổi bật của thành phố trong 50 năm qua. Đối với hoạt động ngoài trời, tại đường đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực Bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn sẽ diễn ra chương trình trình diễn drone - 10.500 thiết bị bay không người lái; tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật… để hưởng ứng đại lễ kỷ niệm đặc biệt của thành phố và cả nước.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước sẽ diễn ra vào sáng ngày 30/4 trên trục đường Lê Duẩn, đoạn trước Hội trường Thống Nhất (quận 1, TPHCM). Sự kiện gồm nhiều hoạt động đặc biệt, trong đó có chương trình diễu binh, diễu hành, với quy mô hơn 13.000 người tham gia. Đáng chú ý, phần diễu binh sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp tổ chức, với 35 khối đại diện các lực lượng vũ trang. Phần diễu hành do TPHCM đảm trách, đảm nhiệm với số lượng 12 khối diễu hành. Một trong các sự kiện mở màn quan trọng khác, là màn bắn 21 loạt đại bác bắn chào mừng trên nền Quốc thiều, cử nhạc ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình đại lễ cũng mở màn bằng không quân bay chào mừng; diễu hành xe mô hình Quốc huy - khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc, xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe biểu tượng 50 năm ngày thống nhất đất nước...
Bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết, hiện UBND TPHCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến nay, thành phố đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm (2023 - 2025) để tổ chức chu đáo các hoạt động của đại lễ.
Đón các đoàn phía Bắc vào tham gia lễ diễu binh, diễu hành
Từ nay đến ngày 20/4, Quân khu 7 đã phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức đón các đoàn phía Bắc vào tham gia Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các đoàn gồm cán bộ, chiến sĩ quân đội và lực lượng dân quân di chuyển bằng đường sắt qua 5 đoàn tàu. Trong đó, từ Đoàn số 1 đến đoàn số 4 xuất phát từ ga Hà Nội; Đoàn số 5 xuất phát từ ga Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Tất cả đều có điểm đến là ga Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), nơi tổ chức lễ đón các lực lượng. Ngay khi rời ga, các đoàn lực lượng vũ trang sẽ về nơi tập kết để ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt và bắt đầu bước vào các buổi huấn luyện, hợp luyện, tổng duyệt. Riêng Lữ đoàn Pháo binh 96 (Binh chủng Pháo binh) đã hành quân di chuyển về TPHCM để triển khai trận địa pháo tại Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), chuẩn bị sẵn sàng cho đại lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc.