Bất ngờ nghỉ học trên lớp khiến cho hầu hết giáo viên và học sinh thủ đô có những lo lắng riêng. Đặc biệt là với những học sinh cuối cấp đang chuẩn bị thi vào lớp 10 thì việc quay lại học trực tuyến có phần “gian nan” hơn.
Lo lắng
Chị Vinh Anh có con đang học lớp 9 Trường THCS Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội cho biết, sáng 3/5, con đã đến trường học buổi đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Đến chiều tối, gia đình nhận được tin sẽ tạm dừng đến trường từ 4/5 và nhận được thông báo học online của giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các lần học trước, chị rất lo lắng con mình không tập trung vào bài học như khi ở trên lớp.
“Hồi Tết ra nghỉ dịch, có lần tôi vào kiểm tra bất ngờ thì thấy cô đang giảng bài, con trai hí hoáy vẽ trên tờ nháp. Chẳng lẽ lớp 9 rồi, vẫn còn ngồi kèm con học online?” - chị Vinh Anh chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều gia đình đã mời riêng gia sư về kèm cho con hoặc đăng ký cho con tham gia các lớp học ôn thi cấp tốc với mong muốn đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi cam go sắp tới. Nhưng với tình hình nghỉ dịch như hiện nay, trung tâm cũng tạm nghỉ. Việc kèm riêng với gia sư cũng khó thực hiện với tất cả các môn học sẽ xuất hiện trong bài thi nên phương án chính vẫn là trông chờ vào các tiết học trực tuyến của nhà trường và ý thức tự ôn tập của học sinh.
Đại diện Trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngay khi nhận được chỉ đạo từ Sở GDĐT, nhà trường đã xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến. Việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 cũng cơ bản bảo đảm. Riêng khối lớp 9, để chuẩn bị cho 300 học sinh sẽ tham dự kỳ thi vào lớp 10 đạt kết quả cao, nhà trường tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến các em.
Song song với việc hoàn thành nốt một số môn học trong vài ngày tới, nhà trường tăng cường ôn tập cho học sinh 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử bằng cách chia nhóm đối tượng để phù hợp với nhận thức của từng em. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên của 4 bộ môn này được quán triệt sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc của học sinh trong việc học tập, rèn kỹ năng, kiến thức.
Gia đình, nhà trường phối hợp
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội dự kiến diễn ra vào các ngày 10 và 11/6/2021. Trong bối cảnh học sinh và các nhà trường đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một thời gian phải học trực tuyến sau Tết, nay lại học trực tuyến mà lại đúng vào giai đoạn nước rút nên tâm trạng lo lắng của các bậc phụ huynh là khó tránh khỏi.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội rằng hiện nay Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Kết quả của việc học trực tuyến đã được công nhận, thậm chí là các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến cũng có thể được thực hiện và công nhận theo quy định.
Tuy nhiên, đối với những học sinh cuối cấp cần được sắp xếp thời gian biểu ưu tiên, bố trí đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm với khả năng sư phạm tốt nhất để hỗ trợ ôn tập cho học sinh. Đặc biệt, nếu như có khó khăn về kỹ thuật, cơ sở vật chất hạ tầng về phía giáo viên, nhà trường cần lên phương án hỗ trợ như cử giáo viên tin học trực hỗ trợ các thầy cô những khi cần thiết. Đồng thời quan tâm về phía học sinh có khó khăn, khúc mắc gì khi học online hay không để hỗ trợ kịp thời, tránh để các em mất buổi học vì lý do này kia.
“Để làm được điều đó cần sự phối hợp tích cực của gia đình. Bởi trên lớp học trực tiếp, thầy cô cũng dễ quán xuyến hơn còn khi ở nhà, xung quanh nhiều cám dỗ hơn việc học. Học sinh dễ bị chi phối bởi các thứ khác nên cần gia đình nhắc nhở, quan tâm đến các em không chỉ ở khía cạnh tạo điều kiện về trang thiết bị học tập, mà còn thường xuyên đôn đốc việc gửi bài cho cô chữa…” - cô Huyền lưu ý.
Một giáo viên dạy môn Lịch sử ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, hiện có những phần mềm cho học sinh luyện tập khá tốt. Tuy nhiên, học sinh lưu ý cần có phương pháp học cơ bản, chắc chắn, sau đó mới dùng phần mềm để luyện thêm thì mới có hiệu quả... vì nếu chỉ luyện phần mềm thôi thì độ chắc kiến thức chưa được bảo đảm.