Tăng trưởng lao động ngành dịch vụ

Thành Luân 24/02/2016 07:05

Qua khảo sát hơn 1.500 doanh nghiệp (DN), Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường TP Hồ Chí Minh (FALMI) dự báo xu hướng dịch chuyển nhu cầu lao động có trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sẽ chiếm gần 1/3 tổng nhu cầu việc làm trên địa bàn thành phố trong tháng 3/2016.

Lao động có trình độ CĐ, ĐH ngày càng chiếm lĩnh cơ cấu thị trường lao động tại TP HCM.

Thông tin với Đại Đoàn Kết ngày 23/2, ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc FALMI cho biết, từ đầu năm đến nay FALMI đã tiến hành tổng hợp, phân tích nguồn số liệu khảo sát từ 1.546 DN trên địa bàn thành phố. Đến nay, các số liệu cập nhật cho thấy nhu cầu việc làm của thành phố trong tháng 3 năm nay sẽ vào khoảng 26.000 chỗ làm việc.

Trong đó, các nhân lực có trình độ đang thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng, với gần 1/3 tổng nhu cầu nhắm vào đối tượng có trình độ ĐH, CĐ. Ngoài ra, nhu cầu lao động từ trình độ trung cấp trở lên cũng chiếm đến 35%.

Ông Trần Anh Tuấn cũng dự báo các ngành nghề về CNTT, cơ – điện tử, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, điện – điện công nghiệp; cơ khí - dệt may – giày da, du lịch – nhà hàng khách sạn; kinh tế - tài chính (Kinh doanh tài sản, bất động sản,…) sẽ dẫn đầu về nhu cầu nhân lực của các DN trên địa bàn thành phố trong tháng 3.

Cùng với xu hướng tuyển dụng lao động thì FALMI cũng công bố dự báo về nhu cầu tìm việc làm của người lao động. Trong đó, dự kiến nhu cầu tìm việc trong tháng 3/2016 sẽ tăng thêm 20% so với tháng 2-2016, trong đó đa phần là người có trình độ ĐH, CĐ chưa tìm được việc làm phù hợp sẽ gặp được những cơ hội thuận lợi để ổn định việc làm.

Đánh giá về thị trường nhân lực tại TP HCM từ đầu năm đến nay, Phó Giám đốc FALMI Trần Anh Tuấn cho rằng, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế thành phố những tháng đầu năm 2016 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, hầu hết các chỉ số tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Ông Tuấn dẫn chứng sự thay đổi tích cực trong cơ cấu nhu cầu thị trường lao động, với sự chuyển dịch mạnh trong nhóm ngành dịch vụ - phục vụ (17,83%); Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn (15,48%); CNTT (7,24%); Vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu (5,97%);…

Sự tăng trưởng lao động trong các ngành dịch vụ cho thấy xu hướng hội nhập tốt của TP HCM sau khi AEC chính thức có hiệu lực. Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo những dấu hiệu khởi sắc trong lĩnh vực du lịch của thành phố khi hạ tầng cơ sở khu vực “vùng lõi” của TP HCM và khu trung tâm hành chính (Q.1, Q.2) có sự cải thiện đáng kể, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư về nước, trong đó có nguồn kiều hối của kiều bào đầu tư về nước.

Ngành CNTT cũng được ghi nhận sự tăng trưởng, cũng như đón thêm các công ty CNTT từ nước ngoài đầu tư vào thành phố. Nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực này cũng đã khiến ngành CNTT tại các trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành này thu hút lượng hồ sơ thi tuyển tăng hơn 20% so với mọi năm. Trung bình, mức lương tuyển dụng của các DN giao động từ 5 triệu đến 8 triệuđồng (chiếm 25,64%); mức lương từ 8 triệu – 10 triệu đồng (chiếm 23,08%); mức lương từ 10 triệu đến 15 triệu đồng(chiếm 51,28%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng trưởng lao động ngành dịch vụ