ESG là 3 tiêu chí quan trọng được sử dụng để đánh giá khả năng phát triển bền vững của một doanh nghiệp, bao gồm môi trường, xã hội và quản trị.
Số liệu khảo sát của Công ty kiểm toán KPMG cho thấy, 90% doanh nghiệp (DN) có kế hoạch đầu tư nhiều nguồn lực tài chính hơn cho ESG trong 3 năm tới. Bên cạnh đó, khoảng 43% DN đang tìm cách bổ sung nguồn nhân lực chuyên về ESG, 40% có kế hoạch đầu tư vào phần mềm chuyên dụng để quản lý và theo dõi hoạt động ESG.
Trong khi đó, theo một khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 83% DN cho biết việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của DN. Việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG đã và đang phổ biến và trở thành xu hướng tích cực trong hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, những năm gần đây, cộng đồng DN đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam, như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện ESG… Do đó, đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình này, vì sự phát triển bền vững của DN và sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ, với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu duy trì các tiêu chuẩn và hành động ESG cao hơn sẽ được nhìn nhận tích cực hơn, giá trị cao hơn và dễ dàng tiếp cận vốn hơn…
Tuy nhiên, trong khi các DN lớn đều nhận ra rằng việc thúc đẩy, tuân thủ ESG không chỉ giúp họ phát triển bền vững mà tạo ra lợi ích lâu dài và đây là “cuộc chơi” bắt buộc, nhưng phần lớn DN nhỏ và vừa vẫn đứng ngoài các hoạt động tiến tới đạt tiêu chuẩn ESG. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, sức khỏe DN chưa hồi phục, thì việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững lại càng khó. Nhiều DN cho biết, hiện nay bài toán đạt được mục tiêu tăng trưởng đã là thách thức lớn, tăng trưởng phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm với xã hội gắn với thực hành quản trị tốt dường như càng là vấn đề nan giải, bởi việc triển khai tiêu chuẩn EGS tại Việt Nam còn rất nhiều hạn chế về thông tin, lúng túng trong thực hành cũng như thách thức về vốn đầu tư, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh của hàng hoá thấp…
Là DN đạt giải cao chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc điều hành, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, một trong những thách thức lớn nhất khi áp dụng ESG là sự thay đổi trong quy trình sản xuất và quản lý để đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG. Điều này đòi hỏi DN phải có sự đầu tư lớn về tài nguyên, thời gian và vốn, do đó tạo gánh nặng tài chính cho DN, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ…
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất MT Food Trịnh Thị Minh Thùy cũng cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho ESG khá lớn, nhiều khung tiêu chuẩn quy định về ESG khiến DN lúng túng, bên cạnh đó là khó khăn về chi phí vận hành… Để giải quyết các vướng mắc trên, theo bà Thùy, cần có những quy định rõ ràng, công khai hơn về ESG để DN dễ dàng tiếp cận, cần có cơ chế vay vốn ưu đãi cho DN có thể chứng minh đang thực hiện ESG nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư nhà máy, nhân sự…