Với một “kho tàng” di sản đa dạng và phong phú, việc số hoá các di sản văn hoá tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có những trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia về vấn đề này.
PV:Thưa ông, với sự phát triển của công nghệ, ông đánh giá thế nào về việc số hoá di sản để tạo “cầu nối” giữa các giá trị văn hoá từ quá khứ đến hiện tại và tương lai?
PGS.TS Đặng Văn Bài: Trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá, đây là điều được quan tâm hàng đầu. Bởi, lượng thông tin với tư cách là nguồn tư liệu được vật chất hoá trong các di tích hoặc ẩn chứa dưới dạng vật thể của di tích cần được phát hiện, lưu trữ để luận giải về giá trị vật chất và tinh thần mà di tích truyền tải cho chúng ta để lưu truyền qua các thế hệ.
Thực tế, mục tiêu của bảo tồn di sản văn hoá là hướng tới việc áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại nhất để kéo dài tuổi thọ của cái vỏ vật chất có chứa thông tin ở di tích. Nhưng thực chất ra cái cốt lõi có giá trị lâu dài và không bị hao hụt theo thời gian là lượng thông tin chứa trong phần vỏ vật chất đấy. Vậy suy cho cùng, bảo tồn di sản văn hoá chính là bảo tồn nguồn tư liệu mang thông tin của các di tích. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng phần vỏ vật chất chứa đựng thông tin trong các di tích sớm hay muộn cũng bị tự huỷ hoại nội tại theo quy luật tự nhiên. Trong khi đó, các dạng thông tin về giá trị di tích được lưu trữ dưới dạng các tập hồ sơ khoa học cũng có khả năng gặp rủi ro, thất lạc, mất mát hoặc hoả hoạn. Do đó, vẫn đề lưu trữ thông tin về di sản văn hoá dưới dạng số hoá là an toàn và hiệu quả hơn cả cho việc khai thác và phát huy.
Chúng ta cần phải làm thế nào để phát huy nền tảng công nghệ với các di sản văn hoá tại Việt Nam?
- Từ góc nhìn công nghệ số, dữ liệu được hiểu là các luồng thông tin dưới mọi hình thức, định dạng được truyền từ hiện thực đời sống xã hội đến các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thu nhận, xử lý và lan truyền thông tin có trong nguồn dữ liệu đã được số hoá. Như vậy, muốn khai thác được sức mạnh của công nghệ số, chúng ta phải triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, xây dựng các bộ hồ sơ khoa học về di sản văn hoá (phiếu kiểm kê, lý lịch khoa học…) dưới dạng văn bản, ảnh chụp, bản vẽ, thiết kế đồ hoạ… và được gọi là tư liệu di sản văn hoá. Bước tiếp theo đòi hỏi phải cung cấp có các hệ thống các thông tin về di sản văn hoá đã được tư liệu hoá sang dạng thông tin mới là “số hoá di sản văn hoá”…
Thực tế cho thấy, sức mạnh của công nghệ số được thể hiện ở khả năng lưu trữ, xử lý và phân tích các di sản số dưới dạng “bộ dữ liệu lớn” - Big data. Thông qua đó, di sản số có thế mạnh là không bị hạn chế về mặt thời gian, không gian địa lý, văn hoá. Di sản số cũng mang đặc điểm văn hoá song rất mở và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người trên thế giới. Thông qua công nghệ số, các dân tộc, mỗi cá nhân có thể tiếp cận di sản số, tương tác, đối thoại hoặc nói chuyện với khán giả toàn cầu. Với thế mạnh vượt trội như vậy, công nghệ số được coi là một trong các loại công cụ có khả năng thoả mãn nhiều nhu cầu về bảo tồn, phát huy cũng như hưởng thụ các giá trị di sản văn hoá.
Ông đánh giá thế nào về việc chuyển đổi số một số di sản trong thời gian qua?
- Ở Việt Nam, muốn tận dụng hết sức mạnh của công nghệ số hay “chuyển đổi số” vào hoạt động bảo tồn di sản văn hoá, chúng ta phải đầu tư vào việc tạo ra “di sản số”. Công nghệ số sẽ tạo ra và cung cấp “phần mềm” và cơ sở hạ tầng lưu trữ dữ liệu số hay di sản số. Phần lớn các công đoạn còn lại là thuộc trách nhiệm của người quản lý di sản văn hoá ở trung ương và các địa phương.
Tôi xin dẫn chứng các dự án chuyển đổi số của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời gian qua. Xét về nhiều mặt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám xứng đáng là di tích hàng đầu hay hệ thống trong hệ thống các văn miếu, văn chỉ từ rộng khắp trên cả nước. Ngoài ra, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tư cách là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, có lịch sử lâu đời gắn với tên tuổi hàng ngàn tiến sĩ đỗ đạt cao và rất nhiều danh nhân văn hoá nổi tiếng của các vùng miền văn hoá và của các quốc gia với tư cách là “nguyên khí quốc gia”. Vậy tại khu di tích này rất cần có một trung tâm dữ liệu khoa học về truyền thống giáo dục Nho học Việt Nam dưới dạng các bộ hồ sơ tư liệu về các mặt giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ… Trên cơ sở các dữ liệu khoa học phong phú như vậy, cho phép số hoá dữ liệu khoa học để trở thành một bộ phận thiết yếu trong di sản số…
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám về căn bản đã hội tụ các điều kiện cần thiết để thực hành chức năng giáo dục với tư cách là không gian trải nghiệm trực quan sinh động; môi trường tự học, tự đào tạo; không gian giao tiếp đối thoại công cộng. Nếu chúng ta biết tận dụng sức mạnh của công nghệ số như là thứ công cụ hỗ trợ về mặt kỹ thuật thì hoạt động giáo dục di sản văn hoá sẽ đạt được hiệu quả xã hội cao hơn. Quan trọng hơn là du khách đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhiều cơ hội để trải nghiệm văn hoá, tương tác và đối thoại với quá khứ, với những con người “huyền thoại” trong lịch sử giáo dục truyền thống của Việt Nam thông qua một “nút bấm” trên smartphone. Tạo điều kiện cho du khách quyền chủ động tìm hiểu cái mình cần, tự giác học tập và tiếp thu kiến thức phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện đại.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Với nhận thức mới về vai trò và tầm quan trọng của dạng “thông tin đã được số hoá”, UNESCO đã đưa ra khái niệm mới về “di sản số” và thông qua Hiến chương Bảo tồn di sản số. Theo Hiến chương này, “di sản số” là nguồn kiến thức hoặc cách diễn đạt độc đáo của con người. Nó bao gồm các nguồn kiến thức, văn hoá, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, pháp luật, y tế và các hình thức thông tin khác được tạo nên nhờ công nghệ số hoặc chuyển sang hình thức số từ những nguồn tương tự”.