Các dự báo kinh tế - xã hội cảnh báo, đô thị lớn nhất cả nước – TP Hồ Chí Minh sẽ phải tiếp tục đối diện với nhiều thách thức lớn về dịch bệnh Covid-19. Và, kế hoạch thu chi ngân sách 2022 của TP HCM theo dự toán sẽ phải tìm kiếm các nguồn vay vốn lên đến gần 11.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi ngân sách và để trả nợ gốc. Tuy nhiên, năm mới 2022 đang mở ra những cơ hội cho nền kinh tế “đầu tàu” của cả nước hồi phục tốc độ tăng trưởng…
Cần một nguồn lực lớn để hồi phục
Vấn đề hồi phục nền kinh tế - xã hội của TP HCM đóng vai trò quyết định để vực dậy các chỉ tiêu phát triển của quốc gia. Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học khi chứng kiến những tác động vô cùng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đối với “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đến nay vẫn chưa thể giải quyết ổn thỏa đang khiến UBND TP HCM phải vất vả tìm giải pháp hồi phục, trước mắt là một kế hoạch ngắn hạn cho năm 2022.
Thành phố dự toán thu ngân sách nhà nước riêng trong năm 2022 là 386.568 tỷ đồng (tăng 5,9% so với 2021). Tuy nhiên, để đạt được con số trên UBND TP HCM dự kiến chi gần 10.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển (hơn 43.500 tỷ đồng); chi thường xuyên hơn 48.600 tỷ đồng) và dự phòng ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng. Theo ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, để đảm bảo hoàn thành các dự toán về thu chi ngân sách của năm 2022, thành phố dự kiến sẽ phải triển khai tổng mức vay của năm tới là gần 11.000 tỷ đồng. Khoản vay cũng sẽ giúp thành phố đảm bảo trong mức dư nợ và bội chi của ngân sách địa phương. Trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách đã là 10.000 tỷ đồng, còn lại là vay để trả nợ gốc.
Không chỉ khát vốn để phục hồi, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM cho rằng, các nỗ lực để đưa nền kinh tế “đầu tàu” phía Nam và cả nước trở lại vị thế số 1 cần phải tính toán mức độ rủi ro từ tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo chuyên gia này, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 vừa qua, TP HCM là địa phương chịu tổn thất nặng nhất cả về người và vật chất, khiến mọi hoạt động kinh tế bị gián đoạn, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng. Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, một kịch bản ứng phó với dịch bệnh Covid-19 gắn với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội bắt đầu từ năm 2022 cần phải được xây dựng.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, chính quyền thành phố đã có tính toán các kịch bản để thực hiện song song cả hai nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Riêng năm 2022 sẽ là giai đoạn đầu của chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố phù hợp trong điều kiện mới. Trong đó, TP HCM sẽ khắc phục các hệ luỵ, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đối thoại, hỗ trợ cho những DN tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh…
Dù vậy, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn đầu tư từ nhà nước, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cho biết, các nguồn vốn từ xã hội hóa được thành phố rất kỳ vọng. Đáng chú ý, trong năm qua dù ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 nhưng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, ngoài ra thành phố cũng giải quyết được hơn 300.000 việc làm. Mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua ngân sách giữ lại cho thành phố là 21% (tăng thêm 3%) là một sự động viên rất lớn để thành phố bắt tay vào quá trình khôi phục kinh tế.
Ông Chánh kỳ vọng, năm 2022 cùng với việc tổ chức chính quyền đô thị hiệu quả sẽ giúp thành phố giải quyết thông suốt các ách tắc trong quản lý hành chính, giải quyết nhanh chóng các tồn đọng về thủ tục hành chính một cách chính xác và đồng bộ. Đây được xem là động lực để tạo hành lang thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào đô thị năng động bậc nhất cả nước sau thời gian khủng hoảng do Covid-19.
Đổi mới là nhiệm vụ sống còn
Lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, năm 2021 vừa qua, TP HCM phải đối diện với thực tế tăng trưởng -6,78% của năm 2021 (kế hoạch năm là tăng trưởng +6%). Con số này nói lên nhiều vấn đề không chỉ bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 mà còn cho thấy, đã đến lúc thành phố phải đổi mới toàn diện về tư duy quản trị đô thị. Theo giới chuyên gia, một đô thị đang phình to như TP HCM phải đối diện với tình trạng cơ chế “chiếc áo chật” suốt nhiều năm qua. Việc cơ chế đặc thù của Nghị quyết 54 chưa kịp phát huy hết hiệu quả dường như khiến TP HCM thụt lùi so với tốc độ tăng trưởng của Bình Dương, một mô hình tăng trưởng mới nổi cùng khu vực Đông Nam bộ.
Cho rằng đổi mới là cách duy nhất để TP HCM phục hồi lại vị thế “đầu tàu” kinh tế, PGS.TS Vũ Minh Khương - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, TP HCM có ba đặc trưng quan trọng để khôi phục vị thế đầu tàu là tiên phong đột phá, kiến tạo cộng hưởng và khám phá tương lai. Cụ thể, dù bị tổn thương rất nặng bởi đợt bùng phát dịch thứ 4 nhưng dự báo tăng trưởng GDP 2021-2026 vẫn còn nhiều dư địa tốt. Thành phố phù hợp để vận dụng mô hình ba tuyến phòng vệ (3LOD, IIA, bản khởi thủy) để đổi mới theo mô hình quản trị kinh tế - xã hội hiện đại.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh, đổi mới là cấp thiết, là sống còn. Ông bày tỏ mong muốn, chính quyền thành phố cần lắng nghe hơn nữa những vấn đề của quận, huyện và TP Thủ Đức. Đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã bộc lộ nhiều yếu kém, vừa thiếu vừa yếu của y tế cơ sở. Theo chuyên gia này, vừa qua Sở Y tế TP HCM đã kiến nghị cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở tại TP HCM. Tuy nhiên, về lâu dài thì chiến lược hồi phục và phát triển kinh tế thành phố phải gắn bó chặt chẽ với chiến lược y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình về kịch bản phục hồi kinh tế TP HCM cần dài hơi, trong 5 năm đầu của kế hoạch phục hồi cần ưu tiên kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, song song với giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của TP HCM.
“Lãnh đạo thành phố cần có trách nhiệm và quyền hạn để đề xuất các giải pháp rất cụ thể từ cơ chế đặc thù mà trung ương đã thông qua. Nhờ đó, thành phố mới có những quyết sách mạnh mẽ và kịp thời hơn để phục hồi nhanh chóng” - Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu nhìn nhận, đồng thời cho rằng, chỉ khi nào TP HCM tự quyết được 90% trong quyết sách phát triển riêng của thành phố, chẳng hạn như quyết định chính trong triển khai các dự án, cải cách thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư,… mới tạo ra đột phá.
Cơ chế quy hoạch đặc thù cho TP HCM
Làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn đánh giá quy hoạch hiện nay là điểm yếu, điểm nghẽn của TP HCM. Việc quy hoạch thiếu đồng bộ, không có tầm nhìn chiến lược khiến công tác triển khai quy hoạch cứng còn khuyết điểm suốt nhiều năm qua. Do đó, Chủ tịch nước đồng tình với kiến nghị trao cơ chế quy hoạch đặc thù cho TP HCM. Bởi vì, quy hoạch phải đi trước một bước, thể hiện tầm nhìn, chiến lược, từ đó mới có thể huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội TP HCM.