Tạo điều kiện cho báo chí tham gia giám sát, phản biện phát huy sức mạnh dư luận

Nguyên Du 05/04/2022 14:10

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: "Hoạt động giám sát, phản biện phải có sự tham gia tích cực của người dân, phát huy vài trò, bản lĩnh của thành viên hội đồng từ vấn. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông, báo chí tham gia vào công tác giám sát, phản biện để phát huy sức mạnh của dư luận..."

Ngày 5/4, Đoàn công tác của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác giám sát và phản biện của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tại tỉnh Đồng Tháp.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại buổi kiểm tra, khảo sát công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị tại tỉnh Đồng Tháp.

Tại các cuộc kiểm tra, Đoàn công tác đã nghe Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp báo cáo về những kết quả thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013 – 2021 và kế hoạch giám sát và phản biện năm 2022.

Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn 2013 -2021, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai, thực hiện, phát huy tốt vai trò giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá XI. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Quang cảnh buổi làm việc của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiểm tra, khảo sát công tác giám sát và phản biện của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tại tỉnh Đồng Tháp.

Nổi bật là MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung giám sát những vấn đề thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về việc Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Việc thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Về vệ sinh an toàn thực phẩm; Công tác giảm nghèo; Công tác cải cách hành chính; Quy trình xử lý đơn thư kiếu nại, tố cáo; thực hiện các chính sách bố trí cụm, tuyến dân cư; Việc thực hiện quy trình bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo; Việc thực hiện chính sách đối với người hoàn lương; Việc công khai huy động các nguồn lực đóng góp trong dân; Công tác thi hành án dân sự; Chính sách trợ giúp xã hội; Quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Cùng với việc tập trung làm tốt công tác giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân, việc phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Đồng Tháp ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao về chất. Nội dung giám sát, phản biện xã hội sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, bài bản có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã góp phần giúp cho các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước được tổ chức thực thi đầy đủ, đạt hiệu quả, bảo đảm sát thực và khả thi cao; cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp uỷ và chính quyền.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả công tác kết quả thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đồng Tháp được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng công tác giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở Đồng Tháp đã từng bước đi vào chiều sâu, đi vào thực tiễn đời sống người dân với tinh thần chủ động, sáng tạo, MTTQ các cấp đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các sở, ban, ngành ở địa phương để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của công tác giám sát, phản biện xã hội nhất là những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách; hoạt động giám sát mặc dù có chuyển biến nhưng còn thiếu linh hoạt, vướng mắc về cơ chế, một số nơi còn lúng túng trong triển khai các hoạt động phản biện; chưa phát huy tốt sự tham gia của các chuyên gia vào công tác giám sát, phản biện.

Thành viên trong Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh Đồng Tháp.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh: "Công tác giám sát phản biện là nội dung mà Đảng và người dân đang rất kỳ vọng, mong đợi vì vậy trong chương trình giám sát, phản biện xã hội năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội cần xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân và những vấn đề mà dư luận quan tâm, khắc phục tình trạng dàn trải. Việc giám sát, phản biện phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, lành mạnh để góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền tốt hơn. Cần nhạy bén chọn ra những vấn đề của người dân quan tâm, tổ chức đảng chính quyền quan tâm, lựa chọn nội dung vừa sức để phản biện cho hiệu quả, tinh thần là cái gì liên quan đến lợi ích của người dân phải làm hết mình. Hoạt động giám sát, phản biện phải có sự tham gia tích cực của người dân, phát huy vai trò, bản lĩnh của thành viên hội đồng tư vấn. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông, báo chí tham gia vào công tác giám sát, phản biện để phát huy sức mạnh của dư luận..." Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu lưu ý.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng nhấn mạnh tới việc, MTTQ các cấp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế nhằm phát huy tốt vai trò của hệ thống Mặt trận nhất là cơ chế phối hợp giữa Mặt trận với các ban, ngành địa phương trong triển khai các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến người dân; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ Mặt trận.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị Tỉnh ủy Đồng Tháp quan tâm, tạo điều kiện cho Mặt trận các cấp tham gia phản biện từ sớm, tham gia sâu vào quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương tác động trực tiếp đến nhân dân; ưu tiên bố trí sắp xếp cán bộ có năng lực về công tác tại cơ quan Mặt trận. Đồng thời quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ của MTTQ và các tổ chức thành viên, đặc biệt là kinh phí hoạt động cho hoạt động giám sát…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo điều kiện cho báo chí tham gia giám sát, phản biện phát huy sức mạnh dư luận