Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
ĐBQH, Thượng tọa Thích Thanh Quyết phát biểu tại Quốc hội chiều ngày 20/11.
Góp ý vào Dự thảo luật, ĐBQH, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, Khoản 1 Điều 18 và Điều 19 quy định hoạt động tôn giáo ổn định trong vòng 10 năm mới được thành lập tổ chức, được Nhà nước công nhận, quy định như vậy là cứng. Theo ĐB, quy định như vậy khiến tổ chức tôn giáo chưa được bình đẳng so với các tổ chức xã hội khác.
Đồng quan điểm, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, việc công nhận tổ chức tôn giáo (Điều 18), chưa phù hợp. Luật cần nói rõ tiêu chuẩn cụ thể thế nào được đăng ký hoạt động và được công nhận, 2 điều này có khác nhau.
“Tôn giáo hoạt động theo hiến chương, theo đó nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo hoạt động mê tín dị đoan. Phải nói rõ đâu là hành vi của cá nhân, đâu là hành vi có tổ chức để cơ quan chức năng dễ dàng xử lý”- theo ĐB Khúc Thị Duyền. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), cũng cho rằng, phải làm rõ hành vi nào bị nghiêm cấm, nếu không sẽ dễ bị áp dụng tùy tiện, các đối tượng dễ lợi dụng hoạt động tôn giáo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Cho rằng Dự luật rất tiến bộ khi quy định người bị tạm giữ, tạm giam, phạt tù… được sinh hoạt tôn giáo, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị, Khoản 2, Điều 4 quy định rằng, những đối tượng này được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng của mình dù đang chấp hành hình phạt, nếu quy định như vậy là rất rộng, khó thực thi trong thực tiễn, vì vậy, cần quy định chi tiết.
ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng, tín ngưỡng là nhu cầu của nhân dân, Hiến pháp bảo hộ tôn trọng quyền này thì ban hành chính sách phải mềm dẻo mang tính tự quản. Đã là vấn đề nội bộ, thuần túy không nên quy định quá sâu, không áp dụng quá nhiều biện pháp hành chính.
Cho rằng Dự luật còn nặng về cơ chế, hồ sơ thủ tục, ĐB Lê Văn Tấn (Hà Nam) chỉ ra nhiều điều khoản “cứng”. Theo ĐB, các hoạt động thường niên đến hẹn thực hiện không nhất thiết phải báo cáo cơ quan công quyền, không nhất thiết sử dụng biện pháp hành chính.
Còn ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, Dự luật giống như văn bản hành chính buộc những người có niềm tin tín ngưỡng, các tôn giáo trong quá trình thực hiện hiến chương phải xin phép, tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước. Trong Dự thảo luật có đến 20 lần nhắc đến việc các tổ chức tín ngưỡng, các tôn giáo phải xin phép Nhà nước, mà ít điều khoản mang tính bảo hộ của Nhà nước nhằm đảm bảo thông thoáng, minh bạch, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡi, tôn giáo đúng theo quan điểm Tờ trình của Chính phủ.
Về việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, cách chức, bãi nhiệm trong các tổ chức tôn giáo là quyền của các tổ chức tôn giáo, Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ xác định tư cách công dân của các nhà tu hành, trên cơ sở đó giáo hội sẽ quyết định việc phong chức, phong phẩm.
Góp ý vào Dự luật, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, vấn đề tín ngưỡng trong Dự luật khá mờ nhạt.
Theo ĐB Lê Văn Lai, “tín ngưỡng đi vào lòng dân tộc, được coi là một đạo có tác dụng rất lớn trong đời sống xã hội, đó là thờ cúng tổ tiên, nhưng tôi tìm hoài không thấy đâu”.
Hiện nhiều người đánh giá thờ cúng tổ tiên là sức đề kháng nội sinh của dân tộc chống xâm lăng văn hóa. Thờ cúng tổ tiên là yếu tố sâu sắc về văn hóa dân tộc.
Vì vậy, ĐB đề nghị không nên đưa tín ngưỡng vào luật, chỉ điều chỉnh về tôn giáo và có điều kiện sẽ có luật riêng về tín ngưỡng. “Tôi rất mong muốn có đạo luật riêng về tín ngưỡng một cách đầy đủ, trong đó chú ý đến tín ngưỡng trong thờ cúng tổ tiên”- ông Lai nói.
ĐB Lưu Thành Công cũng cho rằng, tại Chương 2 quy định hoạt động tín ngưỡng chưa thể hiện hết nội dung hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay. Do đó, cần có điều khoản quy định rõ hơn theo hướng phát huy những tập quán, phong tục tốt đẹp, loại dần những hủ tục lạc hậu còn đeo bám.
ĐB đề nghị có nội dung phân biệt rõ tín ngưỡng và mê tín, vì hiện nay có rất nhiều trường hợp lợi dụng tín ngưỡng để tuyền truyền mê tín dị đoan làm tổn hại đến tài sản, tinh thần, thân thể người khác, làm ảnh hưởng trật tự xã hội. Trong khi đó, Dự thảo chưa có điều khoảng nào đề cập đến việc bài trừ mê tín dị đoan- ĐB Lê Thành Công nói.
Chiều cùng ngày, với 79,75% ĐBQH bấm nút, Luật Kế toán (sửa đổi) đã được thông qua.