Làm việc tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh: “Do đội ngũ cán bộ còn thiếu nên chúng ta phải xây dựng cơ chế và có cách làm nhằm đẩy mạnh vai trò giám sát của người dân”.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc.
Ngày 9/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh dẫn đầu đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu và huyện Hoà Bình về công tác giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bạc Liêu hoàn thành chi trả 4 nhóm đối tượng
Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Văn Hoà, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu cho biết: Tính đến ngày 16/5, toàn tỉnh 7/7 huyện, thị, thành phố, có 81.326 người thụ hưởng gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng (trong đó người có công với cách mạng: 7.838 người; đối tượng Bảo trợ xã hội: 25.479 người; hộ nghèo: 10.533 người; hộ cận nghèo: 37.476 người). Đến ngày 27/5, toàn tỉnh cơ bản đã chi trả xong cho 4 nhóm đối tượng này với tổng số tiền trên 85 tỷ đồng.
Bước đầu kiểm tra cho thấy quy trình giám sát chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Phòng LĐTB&XH, UBND các xã, phường, thị trấn đã chủ động trong việc rà soát, lập danh sách đề nghị chi trả hỗ trợ đối với đối tượng hưởng bảo trợ xã hội; các cấp có thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc để thực hiện nhiệm vụ; danh sách đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ được niêm yết công khai theo quy định và thực hiện chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng đảm bảo chính xác, khớp với hồ sơ quản lý, chưa phát hiện sai sót; UBND các xã, phường, thị trấn đã phân công một số cán bộ xuống trực tiếp các ấp, khóm, có nơi đến tận hộ dân để chi trả hỗ trợ cho các đối tượng.
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi làm việc.
Qua nắm tình hình, dư luận trong việc chi trả đối tượng thụ hưởng cho thấy, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp của mỗi xã, phường, thị trấn, cho thấy số tiền chi trả hỗ trợ được cấp đầy đủ, đúng đối tượng, không phát hiện trường hợp vận động khác hoặc có tiêu cực xảy ra.
Ông Phú Văn Khải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Bình cho biết, Mặt trận huyện được giao nhiệm vụ giám sát 3 nhóm đối tượng là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động; người có công với cách mạnh; đối tượng bảo trợ xã hội.
Trong danh sách hỗ trợ đợt 1, đoàn giám sát chia làm 2 tổ, tiến hành giám sát trực tiếp tại các điểm niêm yết danh sách các đối tượng được hỗ trợ, địa điểm nhận hỗ trợ. Đồng thời tiếp cận ngẫu nhiên một đối tượng có trong danh sách nhận hỗ trợ để nắm bắt tình hình lắng nghe phản ánh của người dân.
Quang cảnh buổi làm việc tại huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Qua giám sát thực tế trong 2 ngày 20 và 21/5/2020 các xã thị trấn đã chi trả xong cho 806 đối tượng người có công và 3.071 đối tượng bảo trợ xã hội cũng hoàn thành chi trả trong ngày 22/5. Riêng với đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động huyện đang tiếp tục rà soát, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét...
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Đến thời điểm này cơ bản Bạc Liêu đã hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn tập trung cho công tác phòng chống hạn mặn. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản vẫn giữ vững, không thay thay đổi chỉnh sửa chỉ tiêu, mục tiêu của nghị quyết… các hoạt động của Dân vận và Mặt trận ngày càng đa dạng và đi vào chiều sâu
Tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả về công tác giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhận định, Bạc Liêu đã triển khai tốt và có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác đối phó với vấn đề hạn mặn. Các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, đồng thời với việc phòng chống là công tác khắc phục; các địa bàn đều có mô hình cụ thể, cách làm hay, hiệu quả. Về công tác Mặt trận các nội dung được triển khai hết sức đồng bộ, những nhiệm vụ cụ thể, các hoạt động của Mặt trận được triển khai gắn sát với nhiệm vụ chính trị.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao 1 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu khắc phục hậu quả do hạn mặn.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh tin tưởng với vai trò của Mặt trận cùng với cấp uỷ, chính quyền tiếp tục làm tốt cộng tác vận động nhân dân làm ăn phát triển kinh tế, làm tốt nhiệm vụ góp phần hoàn thành đại hội các cấp tiển tới đại hội tỉnh lần thứ 16.
Năm nay kỷ niệm 90 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký đề nghị Mặt trận và các tổ chức thành viên các địa phương ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ còn nghiên cứu tham mưu cùng với chính quyền có những hoạt động thiết thực hơn nữa.
Về việc khắc phục hậu quả Covid-19 trong thời gian tới, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, phát huy vai trò của MTTQ, tiếp tục rà soát lại danh sách, niêm yết, kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Các nhóm đối tượng được hỗ trợ tới đây sẽ rất khó khăn, phức tạp vì vậy Mặt trận phải giám sát ngay từ đầu. “Do đội ngũ cán bộ còn thiếu nên chúng ta phải xây dựng cơ chế và có cách làm nhằm đẩy mạnh vai trò giám sát của người dân”.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cùng đoàn đã đi khảo sát thực tế mô hình hệ thống xử lý nước mặn thành nước ngọt và gặp gỡ trao đổi trực tiếp với các đối tượng được nhận hỗ trợ dịch Covid-19 tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh tham quan mô hình xử lý nước mặn sang nước ngọt cho người dân tại ấp ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trực tiếp thử nước đã lọc ra.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh tặng quà các hộ dân ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình.