Hôm nay (22/5) cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra trên cả nước. Trao đổi với ĐĐK, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia khẳng định: “Mọi việc đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử. 870 người chính thức được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố đều đủ điều kiện ra ứng cử. Đến nay Hội đồng bầu cử quốc gia cũng không nhận được khiếu nại nào về việc không đồng ý với việc giải quyết ở địa phương”.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc.
PV: Thưa ông, là người vừa đi giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, ông thấy công tác cũng như khí thế chuẩn bị bầu cử tại các địa phương như thế nào?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đến thời điểm này Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) đã chủ động làm tốt công tác tổ chức bầu cử, cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức phong phú đa dạng tạo không khí phấn khởi cho cử tri cả nước tích cực tham gia cuộc bầu cử.
Theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 17 tỉnh, HĐBCQG đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này tiến hành bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên trong 17 tỉnh không phải tất cả đều đi bầu cử sớm mà chỉ có một vài địa điểm tại các tỉnh đó. Như tại vùng sâu, vùng xa, các lực lượng vũ trang bầu cử sớm rồi còn về làm nhiệm vụ, hay các vùng biển đảo.
Tôi thấy không khí bầu cử rất tốt, rất phấn khởi, nhiều chiến sĩ trên tàu cũng được tổ chức để làm nghĩa vụ công dân, bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Có những nơi bầu cử từ ngày 19, có nơi bầu cử từ ngày 20 nhưng theo quy định phải bầu cử từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, cố gắng làm sao cho mọi cử tri đều thực hiện được quyền công dân của mình.
Vậy trong 870 người ứng cử ĐBQH được công bố chính thức, có ai bị loại do bị khiếu nại tố cáo không thưa ông?
- Trong 870 người được HĐBCQG tuyên bố chính thức cũng đã được các Ủy ban bầu cử ở các địa phương công bố danh sách của các ứng cử viên. Tất cả các khiếu nại tố cáo đã được giải quyết ở HĐBCQG, Ủy ban bầu cử các địa phương và không có trường hợp nào khiếu nại về kết quả giải quyết. Đến nay HĐBCQG cũng không nhận được khiếu nại nào về việc không đồng ý với giải quyết ở địa phương. Cho nên có thể khẳng định đơn thư đã đồng ý với kết luận giải quyết tại địa phương. Những đơn thư sau ngày 12/5 thì ngừng giải quyết, còn vẫn cứ nhận đơn thư.
Chúng ta có lo ngại nhiều đơn vị bầu cử vì thành tích mà cho bỏ phiếu sớm và kết thúc muộn không thưa ông?
- Khi mở hòm phiếu phải tất cả đồng loạt vào 7 giờ sáng và đóng hòm phiếu vào 7 giờ tối và kiểm phiếu tại chỗ, đơn vị nào mở hòm phiếu để bầu sớm hay bầu muộn cũng không được. Sau khi bỏ phiếu xong Ủy ban bầu cử lập biên bản, HĐBCQG nhận biên bản xác nhận bầu cử đó từ Ủy ban bầu cử của địa phương gửi lên. Còn kết quả ra làm sao thì từ ban bầu cử, tổ bầu cử rồi gửi đến Ủy ban bầu cử họ sẽ tập hợp lại.
Tại sao chúng ta phải công bố kết quả sau 20 ngày bầu cử thưa ông?
- 20 ngày là để có điều kiện xem xét các khiếu nại tố cáo. Ví dụ bây giờ ông A trúng cử rồi nhưng xem có bị khiếu nại tố cáo không? Nếu khiếu nại tố cáo đó đúng thì phải xử lý. Lúc đó phải báo cáo HĐBCQG để xem xét cụ thể.
Việc xem xét tư cách ĐBQH phải chờ đến phiên khai mạc Quốc hội mới, tại sao chúng ta phải chờ lâu đến thế mà không xem xét ngay khi có kết quả bầu cử, thưa ông?
- Sau 20 ngày công bố rồi, chúng ta tiếp tục để thêm 30 ngày nữa để tiếp tục xem xét các đơn khiếu nại tố cáo lần nữa của người khiếu nại tố cáo. Bởi có khi cử tri chưa biết ai trúng, chỉ sau 20 ngày khi HĐBCQG công bố danh sách của những người trúng cử ĐBQH thì cử tri mới biết trong số người trúng cử có trường hợp như thế này thế kia; khi ấy, họ có đơn thư khiếu nại tố cáo. Trong vòng 30 ngày đó sẽ xem xét giải quyết. Sau đó sẽ công bố xác nhận tư cách đại biểu.
Nếu có ĐBQH không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo luật định chúng ta có bổ sung thêm ĐBQH hay không?
- Việc bổ sung phải theo luật bởi nếu như bầu không đủ, khu vực bầu cử bầu không đủ ĐBQH ở khu vực đó thì Ủy ban bầu cử ở địa phương có quyền đề nghị HĐBCQG xem xét có bổ sung hay không.
Đối với những người già yếu cao tuổi hay bệnh tật không thể đi bỏ phiếu được, để tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay chúng ta có quy định mang hòm phiếu đến cho người đó bỏ. Công tác chuẩn bị bỏ phiếu ở những điểm bỏ phiếu lưu động diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta có hòm phiếu phụ đối với người già yếu bệnh tật không đi bầu cử được thì sẽ mang đến tận nhà hay tại các nơi tạm giam tạm giữ sẽ mang hòm phiếu phụ đến nơi đó cho cử tri thực hiện quyền công dân của mình.
Vậy với những người đi công tác đột xuất thì bỏ phiếu như thế nào, thưa ông?
- Khi đi công tác thì cử tri đăng ký với nơi mình đang đi công tác trước 24 giờ, chỉ cần đưa chứng minh thư nhân dân, giấy tờ ra thì Ủy ban bầu cử sẽ thông báo đơn vị bầu cử kia dừng cấp thẻ cử tri để người đi công tác xa khỏi nơi cư trú và chuyển đến nơi mới để đăng ký bỏ phiếu. Nói chung chúng tôi tạo điều kiện với thủ tục đơn giản nhất để tất cả đều có thể thực hiện quyền công dân.
Nhưng việc đăng ký phải trước 24 giờ, còn khi chuẩn bị bỏ phiếu thì ngưng hết. Như thế nó sẽ phản ánh đúng tổng số cử tri bởi việc kiểm phiếu phải trên cơ sở tổng số cử tri. Danh sách này sẽ được hoàn thiện cuối cùng trước 24 giờ, còn sau thì thôi không bổ sung thêm cử tri nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!