“Phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại kỳ hợp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế vĩ mô của đất nước ta có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.
GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%
Theo Phó Thủ tướng cho biết kết quả nổi bật của điều hành kinh tế nhiệm kỳ qua là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người 2.109 USD.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Bên cạnh đó, công tác văn hoá, xã hội, cũng có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đã tăng ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội. Hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, nhất là về giảm nghèo. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai được tăng cường. Hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng.
Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc
Dù đã đạt được những kết quả tích cực như vậy, nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới đó là, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Kinh tế phục hồi còn chậm. Năng suất, chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp. Sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế. Thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với nhiều nước trong khu vực chậm được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh trật tự, an toàn xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Chưa khai thác thật tốt những cơ hội và điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội nhiều mặt còn hạn chế. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng chưa được đẩy lùi.
“Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, những diễn biến mới rất phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Song trực tiếp và quyết định nhất là nguyên nhân chủ quan”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vẫn còn cán bộ thiếu trách nhiệm trong nền công vụ
Những nguyên nhân chủ quan cản trở tiến trình phát triển kinh tế đất nước theo Phó Thủ tướng là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực, cơ chế cung ứng dịch vụ công, giá dịch vụ trong giáo dục, y tế,... chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện. Việc hướng dẫn các chính sách chưa kịp thời và đồng bộ. Tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước nhiều mặt còn hạn chế; nhiều luật, pháp lệnh, nghị định,… chậm đi vào cuộc sống.
Việc thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế, chính sách trong nhiều trường hợp còn chậm, chất lượng thấp, tính khả thi chưa cao. Chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và sơ kết, tổng kết thực tiễn. Chưa thay thế được kịp thời những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, thiếu trách nhiệm, thực thi kém hiệu quả trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, phương thức lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và việc đào tạo, sử dụng cán bộ còn nhiều mặt hạn chế.
Theo đó, thời gian tới nhất thiết phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, bám sát thực tiễn của đất nước, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đề ra chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách phù hợp và tập trung sức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài.
Các chỉ tiêu phát kiển kinh tế-xã hội 5 năm tới Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Về xã hội, đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9-10 bác sỹ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm. Về môi trường, đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. |
N.Khánh
Ảnh:Hoàng Long