Kinh tế

Tạo không gian phát triển kinh tế số

LÊ ANH 19/05/2025 07:11

Dù là khái niệm mới mẻ, tuy nhiên, kinh tế số nhanh chóng được TPHCM xác định là một trong 3 trụ cột của chiến lược chuyển đổi số (kinh tế số, xã hội số, chính quyền số), với tầm nhìn đến 2030. Chỉ trong 3 năm, các nỗ lực đã giúp TPHCM vươn lên vị thế là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số (3,1/1.000 dân) cao nhất cả nước.

a-1.jpg
Doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo được TPHCM ưu tiên cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển. Ảnh: Hồng Phúc.

Tạo môi trường để phát triển, khởi nghiệp

Kỹ sư Trần Văn Long (45 tuổi, ngụ quận 12) từng có kinh nghiệm giám sát dự án cho nhiều tập đoàn lớn tại TPHCM cho biết, anh và nhóm cộng sự của mình rất quan tâm đến cơ chế sandbox dành cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khi TPHCM có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát về sandbox, nhóm kỹ sư trẻ đã có cơ hội tiếp cận môi trường để thử nghiệm các công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính (Fintech). Theo ông Long, mới đây, Nghị quyết 20 của HĐND TPHCM được ban hành, đã mở ra cơ chế hỗ trợ cho các dự án Fintech lên đến 400 triệu đồng. Đây cũng là một trong 7 chương trình khởi nghiệp mà Sở Khoa học và Công nghệ triển khai hiện nay, được nhiều DN khởi nghiệp rất mong ngóng.

Đối với một mô hình, cơ chế khá mới mẻ này, ông Lê Tín - Giám đốc điều hành công ty Adtek cũng bày tỏ, cơ chế sandbox là môi trường mới để các DN thử nghiệm sản phẩm mới và cũng là nơi để cơ quan quản lý nhà nước cải thiện về cơ chế, chính sách. Hiện nay, bản thân Adteck cũng đang đầu tư rất mạnh về các giải pháp ứng dụng bằng trí tuệ nhân tạo (AI), như livestreams bằng AI, ứng dụng dữ liệu lớn… Ông Tín cũng cho biết, các DN vừa và nhỏ, khởi nghiệp rất quan tâm đến các cơ chế, chính sách của thành phố, nhất là loạt cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, hay còn gọi là cơ chế sandbox được chính quyền thành phố cho phép triển khai gần đây.

Khi đã sản xuất được thành phẩm, việc quảng bá sản phẩm, kết nối phân phối/tiêu thụ, nhất là các kênh thương mại điện tử được DN đặc biệt quan tâm, nhất là các đơn vị vừa và nhỏ. Về vấn đề này, theo ông Trần Văn Chín - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Arobid, muốn phát triển một sàn giao dịch điện tử mạnh mẽ trong nước đã rất khó, muốn vươn tầm quốc tế thì càng khó hơn. Muốn vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước và từng chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt.

Theo ông Võ Minh Thành - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, hiện nay thành phố đang thí điểm hỗ trợ cơ chế cho các lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ mới. Riêng lĩnh vực sandbox sẽ hỗ trợ cho 2 nhóm lĩnh vực công nghệ, gồm: sản xuất máy bay không người lái và xe tự hành. Hai khu vực được áp dụng sandbox, gồm Khu Công nghệ phần mềm Quang Trung tại quận Gò Vấp và Khu Công nghệ cao TPHCM (TP Thủ Đức). Cũng theo ông Thành, đây cũng là kết quả TPHCM cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 của Quốc hội. Sau thời gian thí điểm, Sở Khoa học Công nghệ sẽ có đề xuất thành phố để mở rộng, tạo không gian phát triển cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Bên cạnh Nghị quyết 20 của HĐND TPHCM, hiện nay UBND thành phố cũng đã ban hành và đang chỉ đạo triển khai Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, thành phố đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành để xem xét các dự án đăng ký tham gia chính sách hỗ trợ lãi suất này.

Trụ cột để giữ vị thế “đầu tàu” kinh tế

Là một trong 3 trụ cột quan trọng của chiến lược chuyển đổi số, TPHCM coi kinh tế số là mục tiêu để giúp duy trì vai trò, vị thế “đầu tàu” của thành phố đối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Sự đầu tư xứng tầm của TPHCM đối với kinh tế số, được thể hiện cụ thể bằng những con số biết nói. Nếu năm 2022, kinh tế số TPHCM chiếm 18,86% GRDP, xếp thứ 7 cả nước. Đến năm 2023, con số này là 21,5% (tăng 28% so với năm 2022) và vào nhóm 9 địa phương có tỷ trọng kinh tế số cao (trên 20%). Hiện nay, TPHCM là địa phương có tỷ lệ DN công nghệ số xét trên 1.000 dân cao nhất cả nước (3,1/1000 dân). Với các ưu thế trên, thành phố cũng vào nhóm 3 địa phương có tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử/tổng doanh thu bán lẻ cao nhất nước.

Để đảm bảo được các mục tiêu đặt ra, TPHCM xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ bắt buộc để tạo đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh. Riêng trong năm nay, thành phố tập trung rất cao để hoàn thiện chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Những nhiệm vụ của chính quyền, các cơ quan của thành phố sẽ được tập trung để chuyển đổi số mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực, đặc biệt là những tiện ích cho người dân và DN.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hiện nay xu hướng toàn cầu đều tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và TPHCM cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận việc tham gia vào kinh tế số đặt ra các yêu cầu và thách thức rất lớn. “Đó là việc các DN nội địa cần phải nhanh, nhạy, thích ứng, những vẫn phải đảm bảo phát triển bền vững, đi kịp với thời đại và những chuyển đổi của kinh tế số toàn cầu” - bà Thúy chia sẻ và nhấn mạnh năm 2025 thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số và nền tảng chính để thành phố duy trì được vị thế của mình, cũng như mục tiêu tăng trưởng cao đó chính là đóng góp của kinh tế số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo không gian phát triển kinh tế số