“Với những tác động nhiều chiều, có thể xem không gian mạng như “miền chiến sự thứ năm”, ở đó truyền thông xã hội đóng vai trò là một thứ “quyền lực”, vượt mặt truyền thông chính thống, thách thức các biện pháp quản lý hành chính và kỹ thuật của tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển”.
Trước Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” đã đưa ra những cảnh báo rất quyết liệt và đặc biệt nhấn mạnh: Tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, an toàn, trong đó, truyền thông xã hội là một trong những nguồn lực thông tin quan trọng, sẽ góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.
Dẫn ra rất nhiều ví dụ đã từng xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chỉ ra những nguy cơ gây mất ổn định đang tiềm ẩn ngay tại Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa, truyền thông xã hội với các nền tảng công cụ được tạo ra để thu hút người dùng mạng xã hội, đã làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm. Các hiện tượng như tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng… đang trở nên đáng báo động. Tất cả những hành vi lệch lạc ấy đang tác động vào đời sống thực, mà trong bài viết của mình, ông Võ Văn Thưởng gọi đó là hành vi làm “trầm cảm xã hội”. Chúng len lỏi vào đời sống, vào lối sống, phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp...
Trong bối cảnh ấy của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, làm thế nào để giữ ổn định chính trị và ổn định xã hội đang là vấn đề sống còn được đặt ra hiện nay.
Cho dù còn có rất nhiều vấn đề cần phải bàn, không thể phủ nhận, 20 năm qua, Internet thực sự làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội tại Việt Nam – những thay đổi ở quy mô xã hội cũng như cá nhân con người. Và giờ đây, khi Chính phủ kêu gọi kiến tạo và khởi nghiệp, thì có đủ tiền đề để có thể thực hiện tinh thần ấy. Ví dụ như chỉ cần có máy tính kết nối Internet, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp...
Còn nhớ ở Việt Nam gần đây, trong khi thảo luận về Dự luật An ninh mạng, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải quản lý, thậm chí là ngăn cản các trang mạng xã hội vì mặt trái nguy hiểm của nó, trong đó có cả nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển Internet vì bất kể lý do gì. Và cần thiết phải có hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động truyền thông xã hội của từng cá nhân cũng như vấn đề an ninh chung của quốc gia.
Cho nên việc bây giờ là phải nhận diện rõ về truyền thông xã hội, xác định nó là một môi trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền thông chính thống. Truyền thông xã hội cần được khai thác tối đa vào việc cổ vũ cho cái thiện, cái tốt, cho các giá trị tiến bộ và chính ở đó cũng là nơi đấu tranh với quan điểm sai trái.
Trong số những biện pháp được đề cập trong bài viết của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, vai trò của báo chí là đặc biệt quan trọng. Các tờ báo và các nhà báo phải là kênh chủ đạo nhất để tiên phong dẫn dắt thông tin. Đây có thể nói vừa là nhiệm vụ vừa trách nhiệm của báo chí trong thời đại kỹ thuật số. Bỏ qua vai trò này, không làm tốt trách nhiệm này, báo chí sẽ hoàn toàn lu mờ và chạy theo truyền thông xã hội.
Hơn bao giờ hết, dòng chảy của báo chí phải là những dòng chảy thông tin tích cực, giữ vai trò chủ lưu. Muốn như vậy thì thông tin trên báo chí phải là thông tin chất lượng, kịp thời, chính xác, khách quan. Nhất là khi xã hội xuất hiện những thông tin nóng, làm người dân hoang mang, thì sự xuất hiện kịp thời của thông tin chính xác trên báo chí là cách tốt nhất để làm an lòng dư luận. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan báo chí và các nhà báo nhưng cũng đồng thời phải là sự phản ứng kịp thời của các cơ quan chức năng, cung cấp thông tin cho báo chí công khai minh bạch. Chỉ có công khai, minh bạch mới tránh được những suy diễn không cần thiết trên truyền thông xã hội.
Trước Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, các nhà báo và các cơ quan báo chí nhìn lại mình, không ngừng trau dồi nghiệp vụ, trau dồi đạo đức, “ý thức về sứ mệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội” như trong bài viết ông Võ Văn Thưởng đã đặc biệt nhấn mạnh. Điều này đòi hỏi bản lĩnh và tri thức của từng cá nhân nhà báo, của các tòa soạn báo. Đây là một đòi hỏi đồng thời là một thách thức mà các nhà báo và các cơ quan báo chí phải thực hiện, để đáp ứng với tình hình hiện nay, góp phần ổn định xã hội, ổn định chính trị và đưa đất nước phát triển. Không có giá trị nào vô giá hơn sự bình yên.