Nhiều dự án giao thông triển khai theo phương thức PPP, chủ yếu là loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đang rơi vào tình trạng không bảo đảm phương án tài chính. Do vậy việc Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo nhìn nhận của giới chuyên gia nên chú ý đến vấn đề vốn đầu tư.
Dự án mắc kẹt
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, ông Phan Văn Thắng từng than phiền với báo giới rằng, theo quy định của pháp luật trong đầu tư theo phương thức PPP thì quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư bình đẳng, hài hòa lợi ích các bên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều chính sách bất cập. Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết về chất lượng, tiến độ thực hiện các bảo lãnh như tạm ứng, thực hiện hợp đồng... nếu không thực hiện sẽ bị xử lý.
Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy tiềm năng, huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là một điển hình. Khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày đầu năm 2021 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Có một thời gian việc phát triển BOT chưa chuẩn mực theo phương án đối tác công tư. Từ đó dẫn đến hệ quả các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng và hạn chế cho vay với nhà đầu tư PPP.
Trong khi đó, giai đoạn này nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng là rất lớn. Chẳng hạn như dự án cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hệ thống cảng biển nước sâu, cảng hàng không… Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, nợ công và nợ nước ngoài đã gần chạm ngưỡng an toàn, điều kiện cho vay của các tổ chức quốc tế kém ưu đãi hơn, nhất là đối với vốn ODA, việc huy động nguồn lực xã hội là một giải pháp cần thiết.
Giới chuyên gia cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù của Chính phủ để bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ… để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
3 nguyên tắc quản lý
Bộ Tài chính đang nghiên cứu và xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, sẽ có 3 nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án PPP.
Theo Bộ Tài chính, mục đích của Nghị định này nhằm hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, tiệm cần dần với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án...
Đáng chú ý, tại dự thảo này ghi rõ vốn đầu tư công hỗ trợ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được thanh toán trên cơ sở cơ quan quản lý phần vốn nhà nước xác nhận khối lượng hoàn thành và theo tỷ lệ, tiến độ, điều kiện trong hợp đồng dự án, phù hợp với kế hoạch vốn, dự toán hàng năm được giao. Vốn nhà nước thanh toán định kỳ cho các hợp đồng trên cơ sở khối lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp và phù hợp với kế hoạch vốn, dự toán hàng năm được giao. Đặc biệt, cơ quan đề nghị thanh toán phần vốn nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm xác định việc doanh nghiệp dự án PPP đảm bảo các điều kiện giải ngân phần hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, phương án tài chính trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP gồm 8 nội dung: Tổng mức đầu tư dự án; các nguồn vốn thực hiện dự án; đề xuất ưu đãi, bảo đảm nếu có; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; dự kiến các khoản chi phí trong giai đoạn vận hành; phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư; các khoản nộp ngân sách nhà nước nếu có đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng O&M (hợp đồng Kinh doanh - Quản lý); các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi tài chính của dự án.
Việc quản lý, sử dụng, thanh toán vốn nhà nước trong thực hiện dự án PPP cũng đã được Bộ Tài chính quy định rất cụ thể tại dự thảo Nghị định. Theo đó, sẽ có 3 nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án PPP.
Nguyên tắc đầu tiên, tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng công trình tạm không quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Việc sử dụng vốn đầu tư phải quy định cụ thể trong hợp đồng dự án PPP về tỷ lệ, giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán.
Nguyên tắc thứ hai, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, giá trị tài sản công được thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Nguyên tắc thứ ba, nguồn vốn nhà nước để thanh toán cho các dự án PPP phải thực hiện theo hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ; hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao. Cụ thể, vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm để thanh toán cho chi phí đầu tư thuộc tổng mức đầu tư, chi thường xuyên được bố trí trong dự toán chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thanh toán cho các khoản chi phí và các khoản phải trả khác phát sinh trong giai đoạn vận hành của dự án PPP.
Vốn FDI tăng mạnh trong quý I/2021
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 908 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kỳ.
Đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD, chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư.
M.P