Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ KH&ĐT sau khi tính toán và căn cứ khả năng thực hiện đã đưa ra ước tính, GDP của năm 2021 đạt mức 3 - 3,5%.
Với kết quả tăng trưởng trong 9 tháng chỉ ở mức 1,42%, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV/2021 GDP cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Làm thế nào để thực hiện mục tiêu này? Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
PV: Với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, kịch bản dự báo mức GDP năm 2021 ở mức 3% đến 3,5% liệu có thực hiện được không thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Trong khó khăn, chúng ta vẫn thấy được các động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Trước tiên, không ít doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch, nhưng nhìn chung đây chỉ là vấn đề tạm thời. Thời gian tới, việc chống dịch hiệu quả với các ca mắc mới giảm, “vùng xanh” tăng lên cùng với đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine là điều kiện để nền kinh tế có thể khôi phục lại và hướng tới mức tăng trưởng cao hơn trong quý IV.
Để hồi phục nền kinh tế, theo ông cần chú trọng những nội dung gì?
- Theo tôi, giải pháp trước mắt và cấp bách là khống chế dịch bệnh để hồi sinh lại tất cả thị trường, kích cầu tiêu dùng và đầu tư. Cầu phục hồi sẽ tạo cú huých lớn để vận hành nền kinh tế ở trạng thái bình thường mới. Tốc độ tiêm chủng cần đẩy nhanh hơn nữa để tạo khả năng miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó phải coi đầu tư công là dòng đầu tư chủ đạo, là vốn mồi để thúc đẩy các hoạt động đầu tư khác, cho nên cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, triển khai dự án bằng chế độ làm việc 3 ca liên tục để tạo tác động lan tỏa. Muốn làm được điều này thì các loại thủ tục cần đơn giản hoá và có thể hình thành mô hình đầu tư gia tốc để phù hợp điều kiện cấp bách hiện nay.
Giải pháp nữa là khuyến khích DN quay trở lại và thành lập mới trên nền tảng số nhằm tạo lực lượng lâu dài.
Chúng ta cần tiếp tục tìm đối tác trên thị trường nước ngoài cả thương mại và đầu tư để tăng xuất - nhập khẩu, duy trì vị thế hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, trong quý IV, nếu các DN trở lại hoạt động kịp thời với các đơn hàng dịp cuối năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 vẫn có thể đạt mức trên 600 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng qua các năm, cho thấy nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao và giao thương quốc tế sôi động.
Việt Nam là quốc gia rất tích cực triển khai hợp tác các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… Đây là những hiệp định có tiềm năng như những “con đường cao tốc” lớn đến các thị trường toàn cầu. Đã đến lúc Việt Nam đẩy mạnh việc tận dụng các hiệp định đa phương và song phương. Thực hiện đa dạng hoá, không chỉ xuất khẩu ở các thị trường truyền thống như châu Âu, Hoa Kỳ, các DN cần tìm cơ hội thâm nhập cả những thị trường châu Á, Mỹ Latin, châu Phi…
Một yêu cầu bắt buộc đang đặt ra là phải mở cửa trở lại nền kinh tế, để DN có thể sản xuất kinh doanh. Nhưng hiện nay, “sức khỏe” của DN đã suy yếu. Vậy đâu là cơ sở để DN phục hồi, thưa ông?
- Chúng ta có thể phục hồi nền kinh tế dựa trên lực lượng DN vẫn hoạt động hiệu quả trong đại dịch. Trong dịch bệnh, sự đào thải khá gay gắt, điều đó cũng chứng tỏ khả năng sinh tồn và chống chịu cao của các DN. Điều này có nghĩa là những DN không rút lui khỏi thị trường trong thời gian qua cần phải được bơm thêm lực để hoạt động, để tăng cường sản xuất, kinh doanh trở thành các DN đầu đàn.
Tôi cho rằng, tiềm lực đất nước, DN, tài năng và trí tuệ con người là rất lớn, có thể khai thác. Khống chế đại dịch Covid-19 hiệu quả, các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bắt đầu một giai đoạn bình thường mới từ quý IV này.
Vực dậy DN tư nhân là bài toán quan trọng. Vậy, theo ông, ngoài các giải pháp của Chính phủ đưa ra trong thời gian qua (hoãn, giãn thuế , nộp tiền thuê đất, giảm lãi suất), liệu có cần những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa?
- Nhiều năm qua, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh. Thương hiệu của khu vực tư nhân đã không chỉ được ghi nhận ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường khu vực và quốc tế. Đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao. DN tư nhân luôn phát triển theo xu hướng thị trường, thời điểm này các giải pháp miễn giảm thuế phí cần nhưng chưa đủ. Vì vậy tạo một thị trường kinh doanh an toàn, sôi động, đó là cách vực dậy khối DN tư nhân nhanh nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!