Tạo sự bình đẳng giữa các ƯCV 'cấp trên' 'cấp dưới'

Việt Thắng (thực hiện) 09/05/2016 06:42

Trao đổi với ĐĐK, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định: Không nên tuyệt đối hoá về thời gian phát biểu tại mỗi lần tiếp xúc cử tri cũng như thời lượng trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái chính là bình đẳng, không phân biệt người ứng cử ở Trung ương hay địa phương, cấp trên hay cấp dưới và không vi phạm các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử.

Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha.

PV:Thưa Phó Chủ tịch, hiện ứng cử viên bắt đầu vận động bầu cử theo quy định của pháp luật. Vậy làm sao giám sát để việc vận động diễn ra dân chủ, đúng quy định của pháp luật?

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức phụ trách bầu cử các địa phương đều đã có chương trình, kế hoạch giám sát toàn diện cuộc bầu cử trong đó có hoạt động vận động bầu cử. Để việc vận động bầu cử dân chủ, đúng luật thì đương nhiên việc tổ chức hội nghị cử tri cho người ứng cử vận động bầu cử do Mặt trận tiến hành, việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng do UBND cấp tỉnh hướng dẫn cũng phải dân chủ, đúng pháp luật.

Thưa Phó Chủ tịch, đây cũng là thời điểm cử tri có thể phát hiện ra những vi phạm của những người ứng cử. Khi cử tri phát hiện ra và khiếu nại tố cáo. Nếu khiếu nại tố cáo đúng thì người bị khiếu nại có bị rút tên khỏi danh sách hay không và lúc đó bổ sung thêm người ứng cử viên như thế nào? Bởi danh sách phải đủ số dư tối thiểu theo luật định?

- Nếu phát hiện một cách rõ ràng người ứng cử vi phạm các quy định pháp luật về vận động bầu cử thì Mặt trận, kể cả nhân dân và báo chí có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý. Cơ quan có thẩm quyền ở đây là các tổ chức phụ trách bầu cử (Hội đồng Bầu cử quốc gia, Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử).

Luật Bầu cử quy định trong những trường hợp khiếu nại, tố cáo rõ ràng, có đủ cơ sở để kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì Hội đồng Bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội), Uỷ ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) quyết định xoá tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

Việc rút tên một người nào đó khỏi danh sách chính thức những người ứng cử có thể dẫn đến việc ở đơn vị bầu cử đó sẽ không đủ số dư tối thiểu theo luật định. Đương nhiên là không thể bổ sung thêm bất cứ một người nào cho đủ được bởi các thời hạn về hiệp thương giới thiệu người ứng cử đã hết. Luật Bầu cử đã quy định trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Quốc hội vì lý do bất khả kháng thì Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ xem xét, quyết định, trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn (Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có nghị quyết hướng dẫn vấn đề này).

Hiện theo danh sách được công bố tại các đơn vị bầu cử, có nhiều trường hợp người tái cử không tái cử ở địa phương cũ. Vậy làm sao để cử tri có đánh giá xác thực nhất cũng như đầy đủ thông tin trước khi lựa chọn, tránh trường hợp bỏ phiếu mà không đủ thông tin, thưa Phó Chủ tịch?

- Việc người ứng cử được giới thiệu tái cử ở địa phương cũ là mong muốn của nhiều cử tri, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã lưu ý vấn đề này khi phân bổ người ứng cử về các đơn vị bầu cử. Tuy nhiên trong thực tế trải qua một nhiệm kỳ, sự biến động về vị trí, môi trường công tác, làm việc của đại biểu rất lớn, một số đại biểu chuyển công tác từ địa phương về trung ương và ngược lại; mặt khác, lần này tới trên 2/3 đại biểu Quốc hội là không tái cử, nhiều địa phương không có đại biểu nào tái cử.

Vì thế tôi nghĩ Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã hết sức cố gắng để đáp ứng tiêu chí này nhưng không dễ gì có được kết quả một cách tuyệt đối. Có nhiều thông tin quan trọng hơn đối với người ứng cử để cử tri xem xét lựa chọn ngoài tiêu chí tái cử, đó chính là các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, đó chính là chương trình hành động của mỗi người ứng cử trong quá trình vận động bầu cử.

Luật cũng quy định việc vận động bầu cử diễn ra bình đẳng. Tuy nhiên làm sao để việc thông tin vận động trên báo chí được bình đẳng, bởi có người được đưa tin nhiều, còn có người được đưa thông tin ít. Chúng ta có giám sát được việc đó không?

- Không nên tuyệt đối hoá về thời gian phát biểu tại mỗi lần tiếp xúc cử tri cũng như thời lượng trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái chính là bình đẳng, không phân biệt người ứng cử ở Trung ương hay địa phương, là cấp trên hay cấp dưới và không vi phạm các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử (nhất là người có điều kiện về kinh tế, người không có).

Và cũng nên phân biệt việc báo chí đưa tin về chương trình vận động bầu cử với đưa tin về các hoạt động thông thường của người ứng cử. Báo chí phải là cơ quan tuân thủ đúng điều này.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sự bình đẳng giữa các ƯCV 'cấp trên' 'cấp dưới'