Vốn là loại hình nghệ thuật truyền thống “kén” khán giả, môn nghệ thuật tuồng đang dần có những thay đổi để đáp ứng xu hướng phát triển chung. Nhiều hội diễn đã để lại những dấu ấn về khát vọng gìn giữ nghệ thuật truyền thống của các nghệ sĩ, cũng như sự quan tâm từ công chúng.
Kỳ vọng sau một Liên hoan
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2022 vừa được tổ chức tại Nghệ An. Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự trở lại của sân khấu truyền thống sau một thời gian dài “đóng băng” bởi dịch Covid-19. Liên hoan với sự tham gia của 11 đoàn nghệ thuật với 16 vở diễn đã mang đến cho người xem những đề tài lịch sử và hiện đại đầy sắc màu, mang đậm dấu ấn của các vùng miền văn hóa.
Nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan bày tỏ, 16 vở diễn tham gia Liên hoan cho thấy rõ một đội ngũ hùng hậu các nghệ sĩ tài năng. Ở các nghệ sĩ vẫn bùng cháy lòng yêu nghề, son sắt với nghề. Nhiều nghệ sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho nghề. Theo nhà viết kịch Hà Đình Cẩn, bằng tình yêu của mình, các nghệ sĩ đã giữ gìn kho báu kịch hát dân tộc và truyền lại cho thế hệ tương lai kho báu đó với sự sáng tạo, ý tưởng mới để phù hợp với thời kỳ hiện đại, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng yêu nghệ thuật hôm nay.
“Với góc độ hội đồng nghệ thuật, chúng tôi vui mừng, đánh giá cao sự vươn lên mạnh mẽ của các đoàn diễn vùng miền. Chúng tôi nhận thấy, đằng sau sàn diễn, các nghệ sĩ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nhiều người hiến cả tuổi thanh xuân cho sân khấu” – ông Cẩn nói. Cũng theo nhà viết kịch Hà Đình Cẩn, tuồng và dân ca kịch đang có lực lượng nghệ sĩ tài năng, từng trải và điêu luyện trong nghề. Trong đó, lớp diễn viên trẻ tài năng có ngoại hình, hát tốt, diễn giỏi đã sẵn sàng kế cận. Các tác phẩm không chỉ bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp vốn có của dân gian, mà còn có sáng tạo với những ý tưởng mới mẻ để vẻ đẹp ấy tỏa sáng.
Không chỉ tạo ra những tín hiệu khởi sắc về nguồn nhân lực, Liên hoan còn cho thấy một diện mạo mới của nghệ thuật tuồng, dân ca kịch hiện nay và nỗ lực hoạt động của các địa phương. Các vở diễn tham gia Liên hoan không còn mang đến để “trả bài”, thi xong về “cất kho” mà còn là những kỳ vọng lan tỏa bộ môn nghệ thuật tuồng đến với công chúng. Như Nhà hát Tuồng Việt Nam với 2 vở diễn “Truyện ngoài chính sử - Làm vua” và “Tam Khúc Chúa”. Hai tác phẩm đều nói về đề tài lịch sử, trước đó khi công diễn tại Hà Nội đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Hay như Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh với “Chiếc áo thiên nga” về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy đã mang đến sự “lột xác” cho sân khấu tuồng truyền thống khi không còn tập chung vào những yếu tố chính trị, thuật trị nước mà tập trung làm nổi bật tâm lý các nhân vật, với phong cách dàn dựng mới mẻ, nhằm hướng đến tiếp cận khán giả trẻ.
Tạo sức hút với khán giả
Bên cạnh thành công về mặt nghệ thuật, Liên hoan còn mang đến những tín hiệu khởi sắc đến từ khán giả. Khác với cảnh “đìu hiu” vốn có của sân khấu tuồng, Liên hoan nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của khán giả tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, dù diễn ra tại tỉnh Nghệ An, nhưng BTC đã phát trực tuyến Liên hoan trên kênh YouTube, Facebook. Nghệ thuật biểu diễn đã nhận được sự đón nhận của nhiều khán giả yêu nghệ thuật theo dõi. Trong 10 ngày diễn ra Liên hoan, khán giả đã thật sự đồng cảm, cùng bộc lộ cảm xúc vui - buồn, cười - khóc với từng nhân vật.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Hướng Dương, Phó Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết, dù chương trình được tổ chức trong thời gian diễn ra SEA Games 31 song các đêm diễn đều chật kín khán giả. Đây là một tín hiệu vui đối với môn nghệ thuật tuồng, dân ca nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung. Cũng theo ông Dương, những ghi nhận trên cho thấy sức lan tỏa của nghệ thuật truyền thống trước hết là tự thân tác phẩm hay vở diễn, qua những bàn tay nhào nặn thuần thục và khi nó đã hay rồi thì không sợ không có khán giả. Bởi công chúng ở thời đại công nghệ, họ thích những món ăn tinh tế, chứ không cần “ăn cho no bụng”. “Với những gì mà các nghệ sĩ đang cống hiến, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, khán giả sẽ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng, dân ca kịch nói riêng. Chắc chắn nghệ thuật truyền thống sẽ có những bước chuyển mình để duy trì và phát triển, thu hút sự quan tâm của khán giả hơn nữa” - ông Dương nói.
Thực tế cho thấy, với tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung trước nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của công chúng ngày một cao đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Bởi sau ánh sáng lấp lánh của những tấm huy chương, giải thưởng, các nghệ sĩ, diễn viên tuồng vẫn còn đó những nỗi niềm trăn trở. Và một trong những trăn trở của môn nghệ thuật tuồng hiện nay đó là, đang rất thiếu diễn viên trẻ, vắng bóng nguồn kế cận. Trong đó, nguyên nhân sâu xa là do chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tốt, chưa có sức hút để có thể giữ chân được các nghệ sĩ.
“Để bảo đảm cho cuộc sống của các diễn viên tuồng, nhà hát Tuồng Việt Nam buộc phải lấy nguồn thu xã hội hóa từ các loại hình nghệ thuật khác để bù đắp, trang trải cho nghệ thuật tuồng. Tôi mong rằng sau Liên hoan lần này, các cơ quan chức năng, ban, ngành sẽ nhìn nhận rõ thực trạng phát triển của nghệ thuật truyền thống để có những chính sách đãi ngộ cho đội ngũ diễn viên nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng” - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nói.