Tạo sức hút cho bảo tàng, thư viện

NAM PHONG 13/10/2023 18:18

Trong nhiều năm trở lại đây, ở không ít các bảo tàng, thư viện, hoạt động chính vẫn còn tương đối mờ nhạt, dễ bị lu mờ trước những hoạt động ngoài lề, như tổ chức các sự kiện, sinh hoạt văn hóa… Chính vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo cho các tỉnh thành có đầy đủ các thiết chế văn hóa này, ngành văn hóa cần tính đến việc đầu tư nguồn lực để khai thác một cách có hiệu quả giá trị của cơ sở bảo tàng, thư viện.

Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Tạo sức hút với công chúng

Bảo tàng là không gian lưu giữ các tư liệu, hiện vật có giá trị, làm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa và môi trường sinh thái tự nhiên của công chúng. Còn thư viện là nơi kết nối và cung cấp thông tin, góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực cho mọi bạn đọc. Với những ý nghĩa to lớn trong việc học tập, nghiên cứu, mang tri thức đến với quần chúng nhân dân như vậy, bảo tàng và thư viện là thiết chế văn hóa cần thiết ở mỗi tỉnh thành.

Vậy nên, từ nhiều năm nay, ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước nhìn chung đều có đầy đủ các thiết chế văn hóa này. Song, hoạt động của các thiết chế này đã thực sự hiệu quả hay chưa thì cần phải được xem xét và đánh giá lại. Bởi nếu các đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả, không chỉ không phát huy được tối đa giá trị của thiết chế văn hóa mà còn gây ra sự lãng phí.

Hiểu được điều đó, hiện nay, nhiều đơn vị vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các phương thức mới nhằm thu hút công chúng. Trong đó, nhiều bảo tàng, thư viện kiêm nhiệm thêm chức năng làm không gian tổ chức các hội thảo, chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Tiêu biểu phải kể đến Bảo tàng Hà Nội là đơn vị thường xuyên cho thuê khuôn viên và hội trường ở dưới tầng hầm cho các cơ quan, đoàn thể tổ chức sự kiện, giao lưu văn hóa, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, bảo tàng đã mở thêm dịch vụ cho thuê áo ngũ thân, phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh của các bạn trẻ. Nhờ đó, vào các ngày trong tuần, bảo tàng có thể đón khoảng 700 lượt khách tới tham quan. Hơn thế nữa, vào những ngày cuối tuần hay những sự kiện đặc biệt, số lượt khách lui tới có khi còn lên tới hàng nghìn. Dẫu những hoạt động bên lề ấy vô tình làm lấn át hoạt động chính của bảo tàng, song cũng có thể tạm nói là bảo tàng cũng có chút khởi sắc.

Nhưng còn với thư viện thì dường như các hoạt động còn tương đối mờ nhạt. Bởi thư viện vốn là không gian hướng đến sự yên tĩnh, nên khó có thể tổ chức các sinh hoạt văn hóa sôi động như bảo tàng. Để các thiết chế văn hóa ấy không chỉ là nơi lui tới chụp ảnh của các bạn trẻ, trước tiên, cán bộ tại các bảo tàng, thư viện cần được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để có năng lực nhạy bén trước sự thay đổi của tâm lý công chúng, xu thế phát triển của xã hội, từ đó, xây dựng các nội dung trưng bày, truyền thông phù hợp, tạo sức hút với công chúng.

Đối với hệ thống các thiết chế văn hóa, ông Phạm Việt Long - nguyên Chánh văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin nhận định, ngành văn hóa cần phải nghiên cứu kỹ xem cơ sở vật chất đầy đủ hay chưa, tổ chức hoạt động ra sao, cần tăng cường, tập trung nguồn lực để tránh trình trạng tốn kém mà không thu được hiệu quả. Đáng lưu tâm nhất là cần tăng cường năng lực hoạt động của các đơn vị ấy, để đưa sách cùng các hoạt động văn hóa đến gần hơn với quần chúng nhân dân. Bởi nhiều khi các nhà quản lý văn hóa quan tâm nhiều đến xây dựng các thiết chế, nhưng đầu tư cho các nội dung, hoạt động gắn liền với thiết chế văn hóa đó thì chưa thực sự cân xứng.

Đơn cử như Bảo tàng Hà Nội được xây dựng với một quy mô rất lớn, nhưng hiện vật trưng bày thường xuyên thì chưa thực sự tương xứng với quy mô xây dựng. Các cổ vật có giá trị lịch sử còn ít ỏi, thậm chí sẽ là khập khiễng khi đem ra so sánh với bộ sưu tập tư nhân. Chính vì vậy, cần phải tạo điều kiện cho những cá nhân, tập thể tham gia hiến tặng cổ vật và đầu tư kinh phí để mua lại cổ vật thuộc sở hữu tư nhân.

Về vấn đề tận dụng không gian để tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, theo ông Long, không thể xem đây là một nhược điểm, mà chính các hoạt động ấy sẽ hỗ trợ cho hoạt động chính. Tuy nhiên, các cán bộ công tác trong các thư viện, bảo tàng phải có năng lực tổ chức, kết hợp các hoạt động bên lề, để nâng nghiệp vụ của mình lên, nhằm tạo thêm sức hút cho cơ sở của mình. Nhất là đối với thư viện cần đặc biệt chú trọng, bởi so với bảo tàng thì hoạt động của thư viện vốn trầm hơn. Nếu suy nghĩ cứng nhắc là thư viện là nơi để cho mượn sách, trao đổi thông tin, hay bảo tàng là nơi bảo quản, trưng bày hiện vật, nhiều khi sẽ gây hạn chế nhiệm vụ chính của nó.

Qua quan sát thực tế, ông nhận thấy, không chỉ những bảo tàng ở Việt Nam, mà nhiều bảo tàng cũng tại New York (Mỹ), tổ chức nhiều hoạt động khác, nhằm tạo sức hút đối với du khách tới thăm bảo tàng. Cái khó đặt ra cho người làm văn hóa là phải cân nhắc làm sao để tổ chức được nhiều hoạt động phụ trợ theo hướng nâng cao chuyên môn của đơn vị mình, chứ không phải những hoạt động tách ra khỏi chuyên môn.

Tiêu biểu có thể kể đến như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nơi đây trưng bày nhiều món đồ chơi dân gian - những sản phẩm phản ánh được tư duy, nếp sinh hoạt của tộc người, cùng với đó, bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm chơi các trò chơi dân gian, làm các sản phẩm đồ chơi truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân lành nghề… Qua giao lưu với các nghệ nhân, người tham gia có thể hiểu hơn một số nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, đồng thời, hiểu hơn về hiện vật đang được trưng bày trong không gian bảo tàng.

Bên cạnh đó, bảo tàng cũng có liên kết với các trường học, đón học sinh đến trải nghiệm các hoạt động tham quan và làm đồ thủ công truyền thống tại đây. Hay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật của những họa sĩ gạo cội cùng những tác phẩm mỹ thuật mới sáng tác của các họa sĩ đương thời tại những không gian trưng bày chưa được tận dụng hết. Từ đó, bên cạnh tham quan các tác phẩm mới, du khách cũng sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những tác phẩm nổi tiếng.

Các bạn trẻ trải nghiệm làm đèn kéo quân cùng nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số như hiện nay, bảo tàng và thư viện cũng cần tập trung nguồn lực vào đầu tư các thiết bị công nghệ chuyển đổi số để nhanh chóng nắm bắt xu thế hiện đại trên thế giới. Không riêng gì các cơ sở văn hóa, nhiều tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta có kế hoạch đầu tư vào mua các thiết bị, máy móc tiên tiến, nhưng chưa chú trọng đến chuyển giao công nghệ. Chính việc chuyển giao công nghệ mới đáng giá, chứ đầu tư trang thiết bị mà thiếu đi nhân lực biết sử dụng, vận hành, thì lại gây ra tình trạng lãng phí.

Các đơn vị có thể ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong trưng bày, và số hóa các hiện vật, tài liệu của mình và đưa lên trang thông tin điện tử. Có quan điểm cho rằng, nếu đưa lên mạng hết thì công chúng sẽ không còn hứng thú với việc đến xem tận mắt nữa. Nhưng lại có ý kiến cho rằng phải đưa lên mạng, người ta mới biết được bảo tàng lưu giữ những hiện vật quý báu ra sao, thư viện sở hữu những đầu sách có giá trị như thế nào, từ đó thôi thúc người ta đến với các đơn vị ấy.

Bà Đinh Thị Hoài Trai - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế chia sẻ, nhiều bảo tàng còn đang gặp hạn chế về diện tích tại không gian trưng bày, đặc biệt là đối với Bảo tàng Mỹ thuật Huế hiện nay đang phải trưng bày tạm hiện vật trong Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng. Chính vì vậy, mỗi bảo tàng chỉ có thể trưng bày tại cơ sở một số lượng hiện vật khiêm tốn trong tổng số lượng các hiện vật. Nếu những hiện vật nằm im trong kho được đưa lên không gian mạng, có thể quảng bá, phát huy giá trị hiện vật trong điều kiện các bảo tàng hầu như không đủ không gian để giới thiệu được hết các tiềm năng trong bộ sưu tập mình hiện có. Có thể xem đây là giải pháp sáng tạo giúp giải quyết hạn chế trong không gian trưng bày ở các bảo tàng.

Không gian bên trong Thư viện Hà Nội.

Hiện nay, hệ thống thư viện đều phủ trên hầu hết cấp tỉnh thành, chưa kể những thư viện cấp huyện và thư viện thuộc các trường đại học mà bạn đọc bên ngoài vẫn có thể vào mượn sách. Như vậy, ngành văn hóa cần tập trung chính sách, nguồn lực vào hướng bổ sung các đầu sách. Theo quy định của Thư viện Quốc gia, đối với mỗi đầu sách mới, mỗi tác giả, nhà xuất bản phải nộp vào 5 cuốn sau khi xuất bản. Cùng với đó, cũng cần mua lại các cuốn sách cũ trong nước và mua sách từ nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm tri thức của độc giả. Đối với những cuốn sách hay, có giá trị tư tưởng tốt, nhận được những giải thưởng cao quý của Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể, ngành văn hóa nên tiếp tục mua lại và đầu tư ấn hành.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Thư viện Hà Nội phản ánh, cơ chế, chính sách hiện nay chưa thực sự dành nhiều sự quan tâm tới ngành thư viện và các hoạt động của thư viện. Cho nên, việc tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc còn hạn chế. Hàng năm thư viện được cấp kinh phí để bổ sung tài liệu sách, báo, tạp chí, song kinh phí chưa đủ để mua tài liệu điện tử, tài liệu số đáp ứng nhu cầu bạn đọc và bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội.

Đầu tư vào xây dựng các thiết chế văn hóa cho những địa phương chưa được đáp ứng đầy đủ là rất quan trọng, nhưng đầu tư cho công tác vận hành, bao gồm kiểm kê, bảo quản, quảng bá cho người đọc cũng quan trọng không kém. Xu hướng của nhiều người hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ thường ưa thích đọc những nội dung ngắn gọn, xúc tích như các bài viết do các trang tin tức trên Facebook đăng tải. Thậm chí, có nhiều người còn không muốn đọc, thích nghe và xem các video ngắn trên các nền tảng số như TikTok, YouTube Short…

Vì thế, các bảo tàng, thư viện cũng có thể sử dụng những nền tảng số này làm phương tiện truyền tải những giá trị tại đơn vị của mình đến gần hơn với công chúng. Các đơn vị ấy phải có năng lực sản xuất các sản phẩm như hình ảnh, video hấp dẫn, cùng với những dòng tiêu đề “giật tít” cho mỗi bài đăng, để người đọc thấy được những hiện vật tại các bảo tàng, những đầu sách tại các thư viện thật sự hấp dẫn, từ đó, thôi thúc họ đến với bảo tàng và thư viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sức hút cho bảo tàng, thư viện