Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung trọng tâm được Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra. Không chỉ là nơi để người dân đến tham quan, đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, TPHCM còn muốn mô hình trở thành một không gian văn hóa thực sự, thu hút đông đảo người dân, du khách, đặc biệt là giới trẻ thành phố đến trải nghiệm, học tập.
Mới đây, TPHCM tiếp tục khai trương thêm một số “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức), xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi). Như vậy, ngoài các địa chỉ đỏ như khu di tích, đền thờ, nhà lưu niệm, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các công trình xuất bản phẩm hàng năm, TPHCM có thêm không gian văn hóa xứng tầm để đa dạng hóa nội dung cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, ở các “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” xây dựng tại một số quận, huyện đã lồng ghép được các sân chơi cho trẻ em hoặc xây dựng được thêm không gian dành cho văn hóa đọc; trưng bày hình ảnh, hiện vật gần gũi, sinh động về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa, không gian tuyên truyền về biên giới, hải đảo Tổ quốc,… Điển hình, tại quận 6 là địa bàn có nhiều thành phần dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo nên chính quyền quận đã đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đến với các cơ sở tôn giáo như Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao đài. Song song với đó, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” cũng được xây dựng tại các khu dân cư có đồng bào các dân tộc Hoa, Chăm sinh sống và làm việc. Nhờ quan tâm, xây dựng không gian văn hóa gần gũi, thiết thực đến từng tôn giáo, dân tộc đã giúp mô hình của quận 6 lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người có đạo; đồng thời là sợi dây kết nối sức mạnh đoàn kết, trở thành động lực để phát triển văn hóa đô thị của quận.
Một “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” điển hình khác ở huyện Nhà Bè còn xây dựng các gian hàng đọc sách, các sân chơi văn hóa khuyến khích thiếu nhi vẽ tranh, kể chuyện sách, trải nghiệm xe công nghệ lưu động, bảo vệ môi trường… Một số quận trung tâm (quận 1, 3, 5) kết hợp đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” vào các điểm đến du lịch, nhà truyền thống; xây dựng khu vực trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu về Bác. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được các địa phương vận dụng và xác định là tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác. Có nơi còn xây dựng không gian văn hóa về Bác trên các nền tảng internet nhằm lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến người dân.
Theo ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, ngoài các mô hình trên, tới đây thành phố sẽ xây dựng đề án riêng về xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” gắn với chiến lược phát triển văn hóa TPHCM đến năm 2035. Trước mắt, ngành văn hóa đang tham mưu phương án triển khai xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Ðức), gắn liền với các cụm công trình như Nhà sàn Bác Hồ, Ao cá Bác Hồ, Vườn cây “Ðại đoàn kết”... Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ trở thành một quần thể không gian đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của đồng bào miền Nam nói chung và người dân trên địa bàn TPHCM nói riêng đến tham quan, học tập và tưởng nhớ đến Người.