Nằm trong lộ trình mở rộng các không gian công cộng của Thủ đô, thời gian tới đây Hà Nội sẽ mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ mới. Tuy nhiên, việc “mở cửa” các tuyến phố đi bộ ngoài việc tạo thêm không gian văn hóa - thể thao còn là “sức ép” trong việc hình thành những điểm đến thật sự hấp dẫn.
Không gian của cộng đồng
Sau không gian phố đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm, khu Phố cổ Hà Nội, phố Trịnh Công Sơn, dự kiến vào ngày 30/4 và 1/5 không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, tuyến phố đi bộ thứ 4 của Hà Nội sẽ diễn ra từ 19 giờ ngày thứ Bảy đến 12 giờ ngày Chủ nhật với các hoạt động chính như biểu diễn văn nghệ, đua thuyền, câu cá, múa rối nước, ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ; triển lãm tranh, ảnh, sách, báo, tạp chí; hoạt động vui chơi của thanh niên, các cháu thiếu nhi...; các hoạt động dịch vụ (giải khát, ẩm thực, kinh doanh giới thiệu các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây…). Được biết, với quy hoạch này, các gia đình nằm trong khu vực phố đi bộ vẫn có thể mở cửa kinh doanh những mặt hàng hiện có.
Ngoài ra, dự kiến trong thời gian tới tuyến phố đi bộ thứ 5 tại dự án Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) sẽ chính thức bước vào giai đoạn thí điểm trong vòng 2 năm (2022 và 2023) và hoạt động chính thức từ ngày 1/1/2024. Tại tuyến phố đi bộ này sẽ được phân thành 4 khu vực chính gồm khu vực ẩm thực, thương mại dịch vụ, văn hóa nghệ thuật và thể thao.
Đơn cử, mới đây sau khi Hà Nội trở về trạng thái bình thưởng mới và “mở cửa” du lịch việc các tuyến phố đi bộ hoạt động trở lại đang tạo nên những “cú hích” mạnh mẽ. Tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và trong khu vực Phố cổ sau khi hoạt động trở lại (tối 18/3) đã thu hút hàng chục nghìn người đến tham gia. Với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức, không gian phố đi bộ này đã tạo ra “bữa tiệc” văn hóa nhiều sắc màu. Thậm chí, ngay từ thời điểm bắt đầu “mở cửa”, các tuyến phố trong khu vực không gian đi bộ đã trở nên đông đúc. Người dân thong thả tản bộ, tận hưởng không khí trong lành, thưởng lãm các tiết mục nghệ thuật, tham gia các trò chơi dân gian…
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân bày tỏ, việc tiếp tục mở rộng và triển không gian đi bộ và khu vực phụ cận rất thành công. Với sự việc làm tốt công tác tuyên truyền để người dân trong khu vực hưởng ứng, đồng tình và ủng hộ, từ đó tạo nên những chuyển biến về trật tự đô thị, chuyển biến mặt hàng kinh doanh để phù hợp hơn với không gian đi bộ. Góp phần tạo cảnh quan đô thị, văn minh thương mại và tạo nên tiếng nói chung. Người dân trong khu vực tuyến phố đi bộ cảm nhận được là mình một trong những nhân tố góp phần tạo nên nét văn hóa mới, không gian mới cho cộng đồng và du khách. Từ đó tạo nên những hoạt động thu hút du khách.
Ông Quân cũng cho biết thêm, đối với quận Hoàn Kiếm thì kinh tế du lịch là kinh tế mũi nhọn vì thế với việc xác định mở rộng không gian phố đi bộ để thu hút khách du lịch, giữ chân du khách trong việc lưu trú là một trong những biện pháp để kích cầu cho các hoạt động về thương mại du lịch…“Góp phần vào sự thành công của tuyến phố đi bộ là sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là công tác tuyên truyền tới người dân trong khu vực tuyến phố có sự đồng thuận và thấy được sự thay đổi thói quen, nếp sống là mang lại không gian văn hóa cho cộng đồng, mang lại sức hút mới cho du khách cho du khách” - ông Quân nói.
Nâng tầm không gian phố đi bộ
Cùng với những lợi thế trước mắt và lâu dài không thể phủ nhận các tuyến phố đi bộ đang đóng vai trò quan trọng trong cả việc phát triển kinh tế, du lịch cũng như lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử. Thế nhưng để các phố đi bộ hoạt động được hiệu quả lại đang là những thách thức không nhỏ cho những nhà quản lý, tổ chức. Đơn cử như câu chuyện “tiếng ồn” tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành nỗi ám ảnh của những người dân sinh sống tại đây. Hay cảnh “đìu hìu” của không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn…
Nhìn nhận về hướng phát triển các không gian phố đi bộ tại Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm- nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để khai thác hết tiềm năng của phố đi bộ trước hết cần chú trọng thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan để người ta thưởng ngoạn. Cùng với đó là phải nâng tầm văn hóa, và yếu tố công nghệ truyền thông như các điểm kết nối truyền thông hay như các không gian công cộng để người ta tổ chức nơi giao tiếp. Điển hình như tuyến phố đi bộ Hồ Gươm đã có 2 dự án chỉnh trang và đã được quản lý tốt. Nguyên nhân của việc tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa đạt được hiệu quả là do chưa vận động được sự tham gia của nhân dân. Bên cạnh đó xây dựng chức năng tuyến phố đi bộ phải phù hợp với văn hóa.
Đồng quan điểm, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến không gian đi bộ Trịnh Công Sơn không thu hút được du khách là do người dân sống xung quanh đứng ngoài dự án. Người ta đến phố đi bộ không phải để ăn, để ngắm cảnh mà để giao tiếp. Nếu phố đi bộ Hồ Gươm không gian giao tiếp là ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… thì phố đi bộ Trịnh Công Sơn hoàn toàn thiếu các không gian đó. Nguyên nhân lớn nhất hiện nay để phát triển phố đi bộ Trịnh Công Sơn đó là chính quyền không kích thích được người dân kinh doanh dịch vụ.
Việc ra đời các tuyến phố đi bộ chính là để kết nối nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau. Đặc biệt, việc tổ chức thêm không gian đi bộ vào buổi tối đem lại nhiều lợi ích thiết thực, trong đó, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch và kinh tế ban đêm của Chính phủ.