Tạo sức hút từ nông nghiệp

Thanh Giang 25/11/2015 11:41

Nông nghiệp là ngành liên tục xuất siêu và đóng góp khá nhiều vào nền kinh tế đất nước. Những thành tựu, kinh nghiệm gần 30 năm đổi mới chứng minh động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế thể hiện rõ qua bệ đỡ lớn từ ngành nông nghiệp. Vậy nhưng, nông nghiệp vẫn chưa tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.    

Tạo sức hút từ nông nghiệp

Ngành nông nghiệp đang loay hoay đổi mới. Ảnh: Quốc Định.

Nhiều năm trở lại đây chúng ta không phát huy tốt tiềm năng sẵn có của một số ngành nghề, phát triển tập trung quá nhiều vào kinh tế công nghiệp mà quên đi một nhiệm vụ song song không kém phần quan trọng đó là, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa cùng các chính sách đi kèm. Mặc dù nông nghiệp Việt Nam liên tục xuất siêu và đóng góp khá nhiều vào nền kinh tế của cả nước, khoảng 20% tổng GDP, 30% giá trị xuất khẩu, đồng thời tạo việc làm cho 50% lao động…

Thế nhưng đến thời điểm này, ngành nông nghiệp chưa có sự phát triển vượt bậc. Với bức tranh hiện tại của nền nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào ngành có nhiều rủi ro, chậm thu hồi vốn này khá khiêm tốn với mức 1%. Thậm chí, tỷ trọng đầu tư cho thấy có sự thấp dần đều.

Chưa hết, không chỉ thấp về tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào nông nghiệp cũng chỉ khoảng 5,4 – 5,6%. Trong số đó, nguồn vốn FDI vào nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tính đến cuối năm 2014, FDI vào nông nghiệp mới đạt hơn 3,7 tỷ USD, chiếm 2,17% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đến một vùng có điều kiện phát triển nông nghiệp tốt như đồng bằng sông Cửu Long song vốn FDI vào ngành nông nghiệp vẫn là con số 0 tròn trĩnh.

Là đối tác đầu tư nước ngoài đứng đầu tại Việt Nam nhưng Nhật Bản cũng từng bước thận trọng thăm dò sự phát triển của ngành nông nghiệp. Bởi vì, các nhà đầu tư Nhật Bản khá quan ngại với những thách thức mà ngành đang phải đối mặt như công nghệ và máy móc dùng cho sản xuất, thu hoạch và chế biến nông thủy sản còn rất lạc hậu, tỷ lệ cơ giới hóa quá thấp so với nhu cầu.

Rõ ràng, nông nghiệp có phát triển được hay không là nhờ vào hai trụ cột trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng trên thực tế, đến thời điểm hiện nay cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi của Việt Nam đều phát triển một cách yếu ớt khi chủ yếu là gia công. Do yếu kém trong việc thu hút các nhà đầu tư nên nông nghiệp Việt Nam chưa thể phát triển theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa… Hệ lụy của việc này kéo theo giá trị gia tăng từ sản phẩm của ngành liên tục giảm mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong những năm 2000 – 2014, tỷ trọng đóp góp giá trị gia tăng của nhóm ngành nông nghiệp đang giảm dần đều. Điển hình, giai đoạn 2000 – 2015, tỷ trọng này trượt dài từ 24,53% xuống 19,3%. Và, đến năm 2014 tỷ trọng về sâu ở mức 17,7%.

Trước sự chậm phát triển về đầu tư cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang ở mức quá thấp. Không vui với sự yếu kém của ngành nông nghiệp trong nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng thừa nhận, mặc dù đạt được nhiều thành quả qua 70 năm phát triển nhưng chất lượng tăng trưởng của ngành ở mức thấp. Tiềm năng có nhiều nhưng phát triển manh mún, thiếu bền vững.

Khi TPP mở ra, các bộ ngành mới nhận thức rõ, nông nghiệp chính là bệ đỡ của nền kinh tế. Vì ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu rất lớn, đối thủ cạnh tranh không quá nhiều bằng các ngành khác. Song việc cơ cấu và đổi mới nền nông nghiệp sao cho phù hợp với tình hình mới xem ra là bài toán khó. Rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng mọi định hướng vẫn phải chờ thực tiễn trả lời. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn ngành nông nghiệp Việt Nam “lột xác” tích cực rất cần gia tăng sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp về đất đai, nguồn vốn, lãi suất….

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh mô hình đầu tư hợp tác hiệu quả công – tư (PPP). Đặc biệt cần tập trung tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị hiện đại nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Mặt khác, công tác dự báo thị trường, định hướng thị trường, cần phải thực hiện có hiệu quả và trách nhiệm, để người nông dân không phải “tự bơi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sức hút từ nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO